Giới thiệu Sách - Sài Gòn Những Mảnh Ghép Rời Ký Ức
Sách - Sài Gòn Những Mảnh Ghép Rời Ký Ức
Tác giả Lê Văn Nghĩa
Nhà xuất bản NXB Trẻ
Đơn vị phát hành NXB Trẻ
Ngày xuất bản 07-2021
Số trang 406
Kích thước 13 x 20 cm
Loại bìa Bìa mềm
Nội dung
"Tiếp theo ba tập ghi chép về Sài Gòn xưa: Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, tập tạp bút - biên khảo này tiếp tục kể lại những câu chuyện sống động về Sài Gòn một thuở cách đây gần nửa thế kỷ, với rạp hát, khu chợ, những thú vui của trẻ con ngày xưa, phòng trà ca nhạc, những tờ báo, sân khấu cải lương, và bao con người đã trở thành chứng nhân của một thời khó quên.
Đó là những câu chuyện đầy ắp dữ liệu sống động và tràn trề cảm xúc, của một nhà văn, nhà báo đã gắn trọn đời mình với thành phố này.
""Ký ức hình thành từ trí nhớ không chọn lọc của tuổi thơ, là những hình ảnh còn đọng lại theo thời gian. Ký ức đẹp, xấu đều qua cái nhìn non nớt. Hình ảnh tươi xanh hay đen tối, rộn ràng hay trầm lắng… đều đọng lại ngẫu nhiên từ thở ban sơ.
Khao khát buông lưới tìm lại những miếu đền ký ức để trở về tuổi thơ đã mất, bất chợt ta tìm lại được ít nhiều hình dáng của một Sài Gòn xưa. Nhưng rốt cuộc ký ức chỉ còn là những mảnh rời rất xa xưa, ta nhặt thời gian ngồi ghép lại những mảnh tuổi nhỏ, để nhớ đến những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè… trong dáng hình một thằng bé còn ngơ ngơ nhìn đời bằng câu hát cải lương.
Những ký ức tuổi thơ đã dựng nên trong tôi bức tranh về đời sống, chuyện học hành của một Sài Gòn – Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời rạc, chưa ráp nối được để hình thành một tổng thể. Hay là, ngược lại, những nếp sống, vỉa tầng văn hóa đã trở thành một ký ức về Sài Gòn – Chợ Lớn của ngày xưa dù chỉ là từng mảnh rời không trọn vẹn.
Thời gian chậm rãi trôi đi mang theo những bóng dáng yêu thương ngụt trời của ký ức. Hãy tìm một chút mảnh ghép rời của Sài Gòn ngày xưa – để nhớ lại hồn Sài Gòn của một tuổi thơ tôi.
Dù đã đi khỏi Sài Gòn, tít mù xa vạn dặm về thời gian lẫn không gian, ai nào quên được những bài vọng cổ, vở cải lương mà chỉ cần ca lên, như Trăng Thu dạ khúc, thì nước mắt lại chảy dài nhớ lại tuổi xưa? Thời gian nào có xóa được khỏi tâm hồn người những con chữ tình yêu, nỗi nhớ và ước vọng đã bay lên từ các truyện ngắn, truyện dài? Đã có biết bao tác giả trút lòng mình lên những trang giấy trắng ẩn tâm hồn, tạo nên những câu thơ tôn thờ Sài Gòn như một tình yêu vĩnh cửu?
Đêm nào đó ngồi giữa Sài Gòn chợt nghe tiếng hát Khánh Ly, Thanh Thúy… vang lên từ chiếc máy Akai. Chợt nhớ những phòng trà vang danh các giọng ca sầu mị, với các tình ca dịu dàng. Những giọng ca đi ra và lớn lên từ phòng trà, sàn gỗ, tạo dựng âm thanh, làm nên những đêm Sài Gòn mang màu trừu tượng…
Mạch ngầm văn hóa Sài Gòn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời. Những dòng nước ngọt văn học nghệ thuật từ mạch ngầm này đã góp phần làm nên một phần bản sắc văn hóa Sài Gòn."
Giá SEX