Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển: BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI NƠI LÀM VIỆC Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực và trên thế giới

Tác giả: ECUE | Xem thêm các tác phẩm Sách giáo dục của ECUE
Tại Việt Nam, mặc dù không thể phủ nhận bình đẳng giới sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác được nguồn nhân lực nữ giới đóng góp vào sự đa dạng và thành công của tổ chức, từ đó giúp tăng năng suất, tăng...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển: BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI NƠI LÀM VIỆC Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực và trên thế giới

Tại Việt Nam, mặc dù không thể phủ nhận bình đẳng giới sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác được nguồn nhân lực nữ giới đóng góp vào sự đa dạng và thành công của tổ chức, từ đó giúp tăng năng suất, tăng lợi nhuận tài chính của doanh nghiệp. Nhưng chỉ có một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phần lớn các doanh nghiệp xếp bình đẳng giới vào mức độ ưu tiên thấp và họ cho rằng không cần phải thực thi các giải pháp bình đẳng giới tại nơi làm việc như một phần trách nhiệm.

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp không tin có bất bình đẳng giới tại doanh nghiệp của họ vì họ không hề đề cập đến “giới tính” trong quảng cáo tuyển dụng và giới tính không phải là điều kiện thăng tiến. Nói cách khác, sự không đề cập thường được hiểu là không có phân biệt, và không có phân biệt được hiểu là không có bất bình đẳng. Trên chuỗi lập luận đó, bình đẳng giới được xếp vào mức độ ưu tiên thấp và nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không cần phải thực thi các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Với những lý do đó, cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc – những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới được nhóm tác giả ECUE tổng hợp từ một dự án nghiên cứu nhằm xác định các cơ hội và trở ngại chính đối với doanh nghiệp trong việc áp dụng các chính sách bình đẳng giới và Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Tủ sách Giới và Phát triển) Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tuyển chọn, phát hành giới thiệu đến bạn đọc.

Cuốn sách gồm 5 phần:

Phần 1: Giới thiệu các làn sóng nữ quyền phương Tây

Phần 2: Kiến tạo giới ở Việt Nam

Phần 3: Các vấn đề về giới ở nơi làm việc

Phần 4: Khám phá tình hình thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc của một số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Phần 5: Kết luận và khuyến nghị.

Phần mở đầu, cuốn sách giới thiệu các làn sóng nữ quyền được nhận diện ở châu Âu và Bắc Mỹ nhằm mục đích dẫn nhập vào các hệ tư tưởng về giới. Từ việc tóm tắt các làn sóng nữ quyền, nhóm tác giả chỉ ra làn sóng là một loại khung cho thấy sự vận động của tiến trình tư duy về giới. Bên cạnh từ việc học hỏi các làn sóng nữ quyền đi trước ta có thể rút kinh nghiệm từ các nước đã trải qua các thời kì đấu tranh bình đẳng giới đa dạng, với nhiều kết quả phong phú và những thất bại đáng suy ngẫm.

Phần tiếp theo, cuốn sách trình bày một vài điểm nổi bật trong tiến trình kiến tạo giới ở Việt Nam, tập trung vào bối cảnh sau chiến tranh – hậu đổi mới, với việc triển khai cơ cấu kinh tế thị trường và sự tham gia ngày càng rõ nét của Việt Nam vào quá trình toàn cầu hóa. Phần này cung cấp những hiểu biết cơ bản làm nền tảng một mặt tìm hiểu việc kiến tạo giới tại nơi làm việc và mặt khác khảo sát những tương tác giữa các thể chế xã hội với nơi làm việc liên quan đến kiến tạo giới.

Phần 3 trình bày về các vấn đề về giới ở nơi làm việc. Sự chia cắt về giới vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới như chia cắt về giáo dục, chia cắt theo chiều ngang về ngành nghề, chia cắt chiều dọc/cấp bậc về ngành nghề, chia cắt về lương, chia cắt về giá trị và sự ưu tiên… Từ đó chúng ta sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về cơ cấu giới, cách thức nó vận hành, được kiến tạo và tái tạo, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp can thiệp ở nơi làm việc.

Phần 4 cuốn sách khám phá tình hình thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc của một số doanh nghiệp tại Việt Nam. Mục đích của phần này là tìm kiếm những câu chuyện nổi lên từ những doanh nghiệp ở Việt Nam mà đã bắt đầu thực hiện các hoạt động và dự án bình đẳng giới. Qua khảo sát tài liệu của 30 doanh nghiệp được lựa chọn và phân tích thông tin từ các cuộc phỏng vấn sâu, nhóm tác giả muốn tìm hiểu xem lãnh đạo các doanh nghiệp này đang hiểu như thế nào về bình đẳng giới, họ đang làm những gì và vì sao họ làm. Những thuận lợi và khó khăn đặc biệt là những yếu tố nào trong điều kiện văn hoá xã hội Việt Nam đang điều tiết những vấn đề giới cũng như những cách thức các dự án bình đẳng giới được hình thành và phát triển trong khu vực doanh nghiệp.

Sau khi xử lý những dữ liệu thu thập được, nhóm tác giả chỉ ra một số tương phản về các hoạt động bình đẳng giới giữa công ty quốc tế và công ty quốc nội. Với các công ty đa quốc gia, thực thi bình đẳng giới được báo cáo cho cộng đồng và các bên liên quan như một phần của trách nhiệm cộng đồng, và trách nhiệm tuân thủ giải trình theo các cam kết yêu cầu của tố chức quốc tế về nhân quyền và bình đẳng hay các yếu tố có tính pháp lý. Trong khi đó các công ty quốc nội, việc thực thi bình đẳng giới có tính “thi đua” nhiều hơn và được thể hiện như một lựa chọn của công ty hơn là một trách nhiệm phải thực hiện. Từ đó rất dễ dẫn đến quan niệm “bình đẳng giới” đã xong với các giải thưởng, chứng chỉ, và nguy cơ các định kiến giới, cơ chế định giới bất bình đẳng được tái tạo.

Các công ty quốc tế đặt bình đẳng giới ở khung đa dạng và dung hợp trong khi các công ty Việt Nam tập trung vào việc tôn vinh sự nữ tính. Hình ảnh người phụ nữ được xây dựng với hai vai, dưới nhãn mác tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động như một hình thức bình đẳng giới. Nỗ lực này tái tạo những chia cắt đã định giới đồng thời không chuẩn bị cho nữ giới cho thế giới việc làm của tương lai. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty Việt Nam đang chỉ gói gọn công việc bình đẳng giới trong phạm vi công ty mình mà chưa có ý thức về trách nhiệm xã hội thức đẩy bẳng giới trong cộng đồng.

Phần 5 dựa trên kết quả phân tích các bài học trên thế giới và thực trạng thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp và kiến nghị cho các cơ quan Nhà nước trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Có thể thấy cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc – những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới dựa trên nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về bình đẳng giới ở nơi làm việc. Nó cung cấp cho bạn đọc các khung phân tích về giới để từ đó nhận ra và thấu hiểu các vấn đề bất bình đẳng đang tồn tại trong tổ chức. Dựa vào kinh nghiệm quốc tế và các bài học thực tế ở Việt Nam, các giải pháp toàn diện về nhận thức, nguồn lực, chính sách và văn hóa thúc đẩy bình đẳng giới cũng được giới thiệu. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giới thiệu về lịch sử các làn sóng nữ quyền trên thế giới và các nét chính trong kiến tạo giới ở Việt Nam nhằm giúp bạn đọc có một cơ sở lý thuyết, lịch sử cơ bản về giới. Đây là một nguồn tham khảo hữu ích cho các công ty, tổ chức và cá nhân quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới.

TÁC GIẢ :

ECUE

Các thành viên

Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Thái Bình Dương. Ông tốt nghiệp tiến sĩ ngành Văn học So sánh tại Đại học Massachusetts Amherst, Hoa Kỳ. Ông nghiên cứu và giảng dạy về lý luận phê bình xã hội, lý thuyết hậu thực dân, hậu cấu trúc luận, trong đó các lý thuyết về giới là một vấn đề ông quan tâm.

Lê Quang Bình hiện là Giám đốc ECUE và Điều phối mạng lưới VGEM (Vietnam Gender Equality Movement). Ông tốt nghiệp thạc sĩ chính sách công của trường Đại học Princeton, Hoa Kỳ.

Nguyễn Minh Huyền và Lê Quang Minh là cán bộ của ECUE. Nguyễn Lương Nghị và Trần Vũ Ngân Giang là cộng tác viên của ECUE trong việc thực hiện cuốn sách này

 

 

 


MỘT SỐ ĐOẠN TRÍCH
Cũng có thể thấy một sự phản kháng với “nữ quyền” hay “bình đẳng giới” tương tự tại các công ty Việt Nam. Theo lời nữ giám đốc nhân sự của một công Việt Nam, nói đến chữ “quyền” sẽ gặp phản ứng, nhất là từ nam giới, vì nhiều đàn ông cho rằng phụ nữ đã đủ quyền lắm rồi. Theo bà, bản thân chữ “bình đẳng” trong quan nệ nam và nữ cũng đã làm nhiều người thấy “ngại” vì “đàn ông phương Đông với quan điểm còn phong kiến không thích khái niệm bình đẳng”. Không có khung đa dạng và dung hợp được dẫn nhập từ các công ty mẹ, ở công ty Việt Nam này bình đẳng giới được lồng ghép vào những hoạt động, chương trình, chính sách dưới nhãn chung là “gắn kết đội ngũ” (teambuilding or staff engagement). Trong cái nhãn chung này, câu chuyện bình đẳng giới cũng được phi chính trị hóa, giảm thiểu cảm nhận “đòi quyền” và đối đầu hay thậm chí chống nam giới, và ở đó, những cụm từ nổi lên sẽ là “chia sẻ”, “san sẻ”, “thấu cảm”, “gắn kết”, “yêu thương”, Bà kể, các kỳ nghỉ của công ty đều lồng ghép các phiên chia sẻ “gắn kết gia đình”. Mỗi năm, toàn công ty sẽ đi nghỉ một tuần cùng với nhau, và mỗi nhân viên được khuyến khích mời thêm các thành viên trong gia đình của mình. Các kỳ nghỉ này luôn có những buổi nói chuyện, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến giới và gia đình. Những ông chồng khi tham gia hoạt động này với công ty của vợ sẽ hiểu hơn về bản chất công việc của người phụ nữ tại công ty. Có những phụ nữ nắm giữ vị trí quản lý, phải đi lại nhiều và qua sự tham gia của người chồng vào hoạt động nghỉ gắn kết này, họ hiểu hơn về đặc thù đi lại nhiều trong công việc của người vợ, từ đó cảm thông hơn, biết san sẻ hơn. Vị giám đốc cũng cho rằng dù là một hoạt động của công ty, nhưng tác động lại rõ nét trong phạm vi gia đình. Có những phiên chia sẻ, cả một gia đình gồm vợ chồng và các con “ôm nhau khóc” khi vỡ oà một sự thấu cảm giữa các thành viên gia đình mà trước giờ đã không được vun đắp. Một câu chuyện tương tự cũng khá thú vị, nhất là khi nó xảy ra ở một công ty quốc tế. Khi chúng tôi hỏi về những rào cản cho tiến trình bình đẳng giới ở công ty, chúng tôi được trả lời rằng đó chính là gia đình của các nhân viên nữ, nhất là những nhân viên còn chịu ảnh hưởng từ cha mẹ. Thường thì các vị phụ huynh luôn miễn cưỡng để con gái tham gia sâu vào công việc, đi lại nhiều, và “bỏ bê” gia đình của mình, từ đó nhân viên nữ khó lòng mà tiến thân trong sự nghiệp. Rào cản càng khắc sâu khi con gái đi làm ở thành thị, còn cha mẹ thì ở quê. Giải pháp của công ty là thường xuyên thăm hỏi, động viên và vào những dịp lễ tết, đến tận nhà tặng quà cho gia đình của nhân viên. Trong suốt hai năm dịch Covid-19, nỗi lo về con gái của các vị phụ huynh càng cao, và bằng cách thăm hỏi, trao quà, công ty chứng tỏ với phụ huynh rằng con họ đang làm việc trong một môi trường an toàn, nhân văn, biết yêu thương và chăm sóc.
Sự tham gia của gia đình, hay sự quan tâm tới gia đình trong việc thực hiện bình đẳng giới là một nét khá độc đáo mà chúng tôi phát hiện được tại Việt Nam. Gia đình, gắn kết, chia sẻ là những cụm từ phổ biến, những nhã ngữ để truyền tải câu chuyện bình đẳng giới. Chủ đề giới đã được biến chuyển một cách khéo léo thành cơ hội để tạo gắn kết nhân viên, và sự tham gia của gia đình vào những hoạt động có tính gắn kết của tổ chức có thể là một cách hiệu quả để thúc đẩy bình đẳng giới không phải chỉ trong phạm vi công ty mà còn trong cộng đồng xã hội. Không ít những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã nêu bật vai trò của gia đình trong xã hội Việt Nam, trong quan niệm sống, trong cách ứng xử của người Việt, và gia đình cũng là một định chế kiến tạo giới với những diễn ngôn đan xen chồng chéo. Khi nói đến gia đình trong mối tương quan với nơi làm việc ngày nay, chúng ta hay nhắc đến khái niệm “trách nhiệm chăm sóc” (caring responsibility). Có gì đó khá là phương Tây trong khái niệm này. Dĩ nhiên, chăm sóc cũng là một trách nhiệm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam, nhưng ngoài trách nhiệm, gia đình Việt Nam còn những ràng buộc khác mà cũng sẽ tác động đến khả năng làm việc hay gắn kết của cá nhân tại nơi làm việc. Chúng ta có thể gọi đó là một cảm thức về nghĩa vụ (duty). Trong khi trách nhiệm sẽ liên quan đến sự phân công, chọn lựa ưu tiên, các hoạt động cụ thể (tasks) và thường đặt trong phạm vi tình cảm hay chăm sóc, thì nghĩa vụ thuộc phạm vi luân lý (morality). Nghĩa vụ ở đây có thể không đòi hỏi chúng ta làm một cái gì cụ thể như trách nhiệm, nhưng nó sẽ cho chúng ta một cảm nhận về đúng sai, về tốt xấu, về chúng ta là ai và có vai trò như thế nào trong gia đình; nó cho chúng ta biết chúng ta có là người tử tế, hiếu thảo với gia đình hay không. Khi một người con đi làm xa nhà, có thể cô sẽ không cần thực hiện một trách nhiệm nào trong gia đình, nhưng cô vẫn còn một cảm thức sâu sắc về nghĩa vụ với gia đình, và tương tự như vậy, gia đình cô cũng có một mối liên đới nghĩa vụ đối với cô. Ngược lại, cũng có người thực hiện rất nhiều trách nhiệm với gia đình nhưng có thể tự cảm thấy hoặc bị phán xét là chưa hoàn thành nghĩa vụ gia đình. Cảm thức về nghĩa vụ này là một kết nối về tâm lý và luân lý để người ta luôn biết rằng người ta thuộc về một gia đình nào đó, chứ không phải chỉ là trách nhiệm. Và nghĩa vụ này cũng được định giới.
Ngày nay, chúng ta nói nhiều về việc cần có những chính sách làm việc linh hoạt cho nữ giới, những người vẫn còn phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc nhiều hơn là nam giới. Hai trường hợp về cách công ty tạo ra những mối liên kết với gia đình như chúng tôi vừa kể cho thấy việc quan tâm đến cảm thức nghĩa vụ đối với gia đình của nhân viên cũng là một cách để giải toả một số rào cản nào đó ngăn chặn phụ nữ tiến xa hơn trong công việc. Cảm thức về nghĩa vụ này có thể là động lực duy trì sự chia cắt về giá trị và lựa chọn ưu tiên giữa nam và nữ. Giữa công việc và gia đình, người phụ nữ luôn bị thôi thúc chọn lựa gia đình như một ưu tiên hàng đầu, sẵn sàng dừng lại con đường sự nghiệp, vì cảm thức nghĩa vụ có tính định giới cũng như vì những trách nhiệm chăm sóc cụ thể. Nghĩa vụ cũng có thể trở thành một rào cản, và do vậy quan tâm giải quyết cả hai khía cạnh này trong mối quan hệ cá nhân-gia đình, đặc biệt là cá nhân nữ thì mới giải quyết được những trường hợp rào cản không phải chỉ là trách nhiệm chăm sóc cụ thể nào.
………….
Trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới ở khối doanh nghiệp, những cuộc thi “giỏi việc cơ quan, đảm việc nhà”, những câu chuyện nữ lãnh đạo thành công ở những vùng không gian khác nhau dường như chưa được phân tích một cách có phê phán. Và thực chất, sự hiện diện của nữ giới trong những vùng không gian phi truyền thống này còn đang được xem như là những thành tựu của các nỗ lực bình đẳng giới, nhất là đối với các công ty mà chuỗi cung ứng của họ cần rất nhiều lao động vốn do nữ giới đảm trách theo sự chia cắt đã được định giới. Việc tiếp tục đẩy mạnh tỉ lệ nữ trong những ngành nghề bị xã hội đánh giá thấp và gắn liền với lao động nữ, nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho nữ giới như là một nỗ lực thúc đẩy bình đẳng, thì có thể sẽ trở thành cánh tay nối dài của sự chia cắt ngành nghề theo giới vốn dĩ đã bất bình đẳng. Cần có những phân tích có tính phê phán (critical analysis) để các doanh nghiệp không tái tạo cấu trúc bất bình đẳng thông qua chính những chương trình thúc đẩy bình đẳng giới.

Ngoài câu chuyện không gian mới có tính định giới và có thể tái tạo cấu trúc bất bình đẳng hơn là giải phóng phụ nữ khỏi không gian gia đình, câu chuyện thời gian cũng hiện ra trong cuộc khảo sát của chúng tôi. Ở đây chúng tôi muốn nói đến cách nói về thời gian tương lai, với những dự báo và phỏng đoán về xu thế việc làm mới. Một công ty Việt Nam trong lĩnh vực tài chính trong nhóm 30, vốn thu hút một tỉ lệ lớn lao động nữ, đã nhìn nhận: tương lai việc làm trong ngành tài chính sẽ tiếp tục được định hình bởi sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số (digital transformation). Những việc làm nổi lên của tương lai, chiếm quyền thống soát nền kinh tế đều đặt trên nền tảng công nghệ. Trong khi đó, ở các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển, nữ giới vẫn tiếp tục bị chia cắt vào những ngành nghề mà người ta hay dự phóng là sẽ không còn tồn tại hoặc bị thay thế bởi công nghệ trong tương lai. Công ty này cảnh báo rằng nếu những nhân viên nữ đang làm việc trong ngành của ngày hôm nay, và tỉ lệ của họ không hề nhỏ, mà không được chuẩn bị để đón nhận tương lai chuyển đổi số của ngành, họ sẽ bị loại trừ khỏi cuộc chơi. Công ty này đã xác định chiến lược bình đẳng là phải thay đổi sự chia cắt chiều ngang theo ngành nghề (horizontal segregation), tức nữ giới phải được hỗ trợ tham gia vào các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ hoặc tự thân họ phải đừng tự dán nhãn mình là không phù hợp cho ngành nghề này. Dưới danh nghĩa các chương trình hỗ trợ phụ nữ tham gia lao động có trả công, một phần của tiến trình mà Prugl (2016) phê bình là tân tự do hóa (neoliberalization) nữ quyền, phụ nữ đang được phân luồng hàng loạt vào những ngành nghề lao động mà diễn ngôn về thế giới việc làm tương lai dự báo sẽ không còn tồn tại hoặc sẽ thu hẹp nhanh chóng. Theo một báo cáo của McKinsey Global Institute (2019), những xu hướng chia cắt chiều ngang theo việc làm của hiện tại sẽ gây trở ngại cho nữ giới trong tương lai. Cụ thể, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra trong những lĩnh vực do nam giới thống lĩnh hơn, trong khi đó những định kiến giới của hiện tại cũng sẽ khiến nữ giới khó học những kỹ năng mới để thích nghi, vì họ có ít thì giờ cho việc học tập nâng cao năng lực hơn so với nam giới. Ngoài ra, tốc độ thay đổi diễn ra ngày càng nhanh, trong khi những thay đổi về định kiến xã hội thì chậm, và một số những chương trình liên quan đến bình đẳng giới trong việc làm có thể đang khắc sâu những những yếu tố bất lợi cho nữ giới trước một tương lai được dự báo là biến động mạnh và nhanh. Sự mở rộng không gian hiện diện của nữ giới như cách các doanh nghiệp đang làm chưa thực sự quan tâm đến việc chuẩn bị họ tham gia vào một tương lai nhiều biến động.
Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng khuôn mẫu giới truyền thống một cách thiếu phê phán trong công thức “giỏi việc cơ quan, đảm việc nhà”, và từ đó phụ nữ được phân luồng vào rất nhiều những không gian có tính định giới, và qua quá trình này, họ có nguy cơ bị loại trừ ra khỏi thế giới việc làm tương lai. Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp cần có những diễn đàn để trao đổi một cách có phê phán hơn những khuôn mẫu giới truyền thống đang được lồng ghép vào các hoạt động bình đẳng giới của công ty. Đồng thời, vấn đề việc làm của phụ nữ trong tương lai, như một công ty đã đặt ra, cũng cần được thảo luận thấu đáo hơn. Một số công ty, đặc biệt các công ty quốc tế về công nghệ và kỹ thuật, do đặc thù ngành, tỉ lệ tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động của công ty còn mỏng, và do vậy đã sáng kiến những chương trình CSR để cải thiện sự chia cắt về giới theo ngành nghề. Trong một dự án cụ thể, công ty phối hợp với các trường tiểu học để nhân viên của công ty đến nói chuyện và truyền cảm hứng cho học sinh, đặc biệt các học sinh nữ, về ngành công nghệ và kỹ thuật, để các em học sinh nữ nhỏ có thể có một hình dung về ngành nghề này khác hơn cái hình dung chung của xã hội mà truyền thông, gia đình, và thực tiễn cuộc sống xung quanh đã áp đặt lên các em. Rõ ràng, đây không phải là một sáng kiến chỉ để đạt được những con số cân bằng về giới trước mắt của bản thân công ty, mà là một giải pháp cho tương lai lâu dài cho nữ giới nói chung. Chỉ đáng tiếc rằng, những chương trình như vậy, vì lẽ nào đó, chưa được thực hiện tại công ty chi nhánh ở Việt Nam.

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá HIRENGA

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Phụ Nữ Việt Nam
Ngày xuất bản2023-03-01 00:00:00
Kích thước14.5 x 20.5cm
Loại bìaBìa mềm
Số trang228
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam
SKU9835786179263
Liên kết: [Best Seller] Sữa dưỡng Lựu Pomegranate & Collagen Volume Lifting Emulsion (140ml)