Sách Alain - Đoản luận về giáo dục
Nhà xuất bản Tri Thức
Nhà phát hành : Công Ty TNHH Văn Hóa Đông Tây
Năm xuất bản : 2023
Tác giả : Alain
Người dịch : Khương Anh
Số trang : 265
Khổ : 12.8 x 19.5cm
Trọng lượng : 500gr
ISBN : 9786043405477
Có một niềm tin vững chắc về giáo dục nơi ông, rằng học là học, không phải chơi; rằng điều gì dễ học thì cũng dễ quên; rằng chinh phục khó khăn mới là bài học tốt nhất; rằng lao động thực mới tạo ra tinh thần thực; rằng học trò nên được làm việc nhiều hơn là giáo viên, như ở chương LI viết: “Có cái định kiến hành chính dẫn đến việc bắt giáo viên phải làm việc của giáo viên; và tôi thừa nhận rằng họ làm việc rất nhiều; họ là những học sinh rất tốt. Nhưng các học sinh cũng đã quen với việc không làm gì cả; tôi muốn đảo lộn thế giới nhỏ bé này một chút.” Đối với Alain, cần phải học theo lối khó khăn kể cả những gì dễ nhất.
Về những khó khăn trong việc học, Alain luôn cố xác định những nguyên nhân của chúng. “Từ lâu rồi, tôi thấy rất mệt những khi nghe nói rằng người này thông minh còn người kia thì không.” (Chương XXIV). Ông nghĩ về khía cạnh “kiên nhẫn” và “thiếu kiên nhẫn” hơn là nghĩ về trí tuệ của một người, tức là, Alain nhìn vấn đề dưới khía cạnh tính cách chứ không phải trí năng. Với ông, để học tốt thì vấn đề nằm ở ý chí của một đứa trẻ, mà về bản chất, cần phân biệt giữa ham muốn – nhu cầu về sự thỏa mãn tức khắc, và ý chí – những điều kiện để đạt được mục đích. Và chúng ta cũng thừa nhận rằng, ở lứa tuổi trẻ em thì ham muốn phổ biến hơn ý chí, do những huyễn tưởng mà chúng không thể tự chống lại. Từ đó, ông cũng đưa ra giải pháp: củng cố ý chí bằng sự bắt chước và sao chép, đó là những bài tập dùng để kiểm tra tính cách.
Ta có thể thấy rằng Alain ủng hộ phương pháp học chủ động; nếu chỉ học bằng cách nhìn và nghe, chắc hẳn ta sẽ không thấy bất kỳ một sự tiến bộ nào nơi người học. Vì thế, ông biến lớp học của mình thành một xưởng thợ, nơi đó, ta có thể thấy học trò thay vì khoanh tay im lặng nghe giảng, thì sẽ được đọc, viết, tính toán, vẽ, học thuộc lòng, chép, và chép lại. Và cũng từ đó mà vai trò của người thầy trên lớp cũng thay đổi, thay vì là một cuốn sách di động, thì sẽ là một nhạc trưởng.
Rõ ràng triết lý giáo dục của Alain không hề mang tính cách mạng, và ông hoàn toàn chống lại những thứ như vậy, vì “những gì tốt nhất [trong khoa học] chính là những gì lâu đời nhất, vững chắc nhất, quen thuộc nhất với mọi người thông qua thực tiễn” (chương LX). Alain là một người thầy giáo chuộng thực tiễn, nghĩa là những kế hoạch giáo dục có quá nhiều can thiệp thì chẳng đáng tin. Với ông, không quan trọng việc tạo ra một nền giáo dục mới, một kiểu người mới, hoặc một thế giới mới, mà là để đạt được chính thực tiễn. Nói như vậy không có nghĩa rằng Alain bảo thủ, không hề, nhưng việc giáo dục không lệ thuộc vào giáo viên để thay đổi con người, mà là con người tự thay đổi chính mình.