Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà. Đừng Khóc! (Tái Bản)

Tác giả: Huyền Chip | Xem thêm các tác phẩm Du ký của Huyền Chip
Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà. Đừng Khóc! (Tái Bản) "Bước chân của Huyền khởi đầu cho trào lưu mới trong giới trẻ Việt: Khát khao vươn ra thế giới, đi và trải nghiệm" - Tiền Phong "“Ta...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà. Đừng Khóc! (Tái Bản)

Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà. Đừng Khóc! (Tái Bản)

"Bước chân của Huyền khởi đầu cho trào lưu mới trong giới trẻ Việt: Khát khao vươn ra thế giới, đi và trải nghiệm" - Tiền Phong

"“Ta ba lô” không chỉ để thỏa mãn khát khao khám phá, trưởng thành mà còn đem hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh để đi như Huyền" - CAND

"Điều thú vị toát ra từ con người Huyền nằm trong sự khác biệt và dám khác biệt." - Yahoo! News

"Bạn ấy dường như đứng ngoài khuôn mẫu thông thường của một nhân vật quan trọng." - Thanh Niên

"Đã có rất nhiều nhưng cũng sẵn sàng nghĩ rằng mình chưa có gì. Đó dường như là điều đặc biệt nhất ở cô bạn 9x Huyền Chip." - Radio Australia

 

Trích đoạn:

1. Đi bừa đi

Mọi người hay hỏi tôi quyết định đi "vòng quanh thế giới" như thế nào. Tôi chẳng quyết định. Khi bắt đầu đi, tôi mới chỉ là một con bé 19 tuổi không một xu dính túi, nói đi "vòng quanh thế giới" chỉ như một đứa trẻ con 5 tuổi nói với mẹ "lớn lên con muốn làm nhà du hành vũ trụ". Chuyến đi dài ngày này của tôi bắt đầu từ một chuyến đi ba ngày sang Brunei. Một giây phút nông nổi đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi từ khi đó.

Tháng 5 năm 2010, tôi đang ở Malaysia làm một công việc mà ai cũng nghĩ là công việc trong mơ. Quả thực, công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc, tất cả đều rất tốt, nhưng chỉ một vấn đề duy nhất là tôi và sếp thường bất đồng ý kiến với nhau. Một lần quá mệt mỏi, tôi quyết định đi sang Brunei chơi cho khuây khỏa. Lúc đó, ý định làm chuyến đi lâu thật lâu đã bắt đầu nhen nhóm, nhưng tôi không biết sẽ đi như thế nào. Tôi tính nếu bây giờ tôi nghỉ việc, lĩnh lương khoảng 1500$ chắc cũng đủ đi vài tháng, có máy tính rồi từ từ kiếm việc gì đó làm online. Nhưng tôi quên mất là laptop tôi đang dùng là laptop của công ty, nghỉ việc thì tôi cũng không còn máy.
Thế là tôi đành ngậm ngùi bỏ tiền mua một cái netbook nhỏ nhỏ, cấu hình yếu yếu nhưng đủ để viết và lướt web. Máy ảnh tôi bị mất trước đó mấy tháng nên cũng phải mua máy mới. Vèo một phát, số tiền còn lại của tôi chỉ còn khoảng 700, 800$. Tôi tặc lưỡi, thôi đi bừa, cùng lắm là lại về Malaysia. Tôi đặt vé khứ hồi vì thực sự tôi vẫn không nghĩ là mình sẽ đi được. Phòng trọ tôi cũng không trả chủ nhà mà vẫn để đồ đạc ở đấy, tin chắc chắn rằng mình sẽ quay lại Malaysia.

Khi còn “la liếm” với dân công nghệ, tôi có quen Preetam Rai - nổi tiếng trong giới vì ở đâu cũng có mặt. Sinh ra ở Ấn Độ, sống và làm việc ở Singapore, Preetam đi khắp các nước châu Á tham gia đủ các thể loại hội thảo công nghệ. Anh thỉnh thoảng hay bảo tôi: "Này, tổ chức cái gì ở Việt Nam đi để anh có cớ qua." Khi nghe tôi kể lể tình hình, anh tặc lưỡi: "Đi đi, không đắt lắm đâu. Dùng CouchSurfing thì khỏi mất tiền ở khách sạn." CouchSurfing là trang web kết nối những người sống ở địa phương và dân du lịch ba-lô. Nếu nhà có phòng trống, ghế sofa (couch) hay bất cứ chỗ nào ngủ được, bạn có thể đăng lên CouchSurfing với tư cách host (chủ nhà). Dân du lịch ba-lô đến một thành phố nào đó không có chỗ ở thì lên CouchSurfing gửi yêu cầu cho host xin ở nhờ. Những ngày ở Malaysia buồn, tôi cũng hay tham gia mấy buổi gặp mặt CouchSurfer (từ dành chỉ những người dùng CouchSurfing). Couchsurfer là dân lang thang nên tính tình đều khá cởi mở, thân thiện, tôi thích. Nhưng tôi chưa bao giờ ở nhờ cả. Thứ nhất là vì tôi cũng không cần, thứ hai là vì tôi cũng hơi sợ. Lần này thì là cơ hội tuyệt vời để thử. Brunei là một đất nước đắt đỏ
nổi tiếng. Đọc trên mạng tôi được biết cả nước chỉ có một Youth Hostel giá khoảng 10$/đêm, còn lại các khách sạn khác đều khoảng 200$. Youth Hostel thì hên xui, khách sạn thì tôi không có tiền, CouchSurfing là lựa chọn duy nhất.

CouchSurfing hoạt động dựa vào mức độ tin tưởng đánh giá qua những lời giới thiệu mà người khác để lại trên profile của bạn. Lúc đó, hồ sơ tôi trống trơn vì không có lời giới thiệu nào, nhưng may mà tôi có cái blog khá tử tế, nên gửi yêu cầu ở nhờ nào cũng tương cái blog mình vào đó. Tôi gửi yêu cầu tới 3 người thì 2 người đồng ý là Phillips và Rudy. Cả 2 đều bảo tôi gửi họ thông tin chuyến bay xem họ có ra đón tôi được không. Taxi từ sân bay về Bandar Seri Begawan rất đắt, khoảng $20. Xe buýt thì khó đoán. Tôi gửi thông tin cho cả hai, định bụng ai trả lời trước thì sẽ ở cùng người đấy. Nhưng đến hôm trước khi ra sân bay tôi vẫn chẳng thấy ai trả lời. Tôi lúng túng không biết làm thế nào, nhưng quyết tâm đi rồi thì cứ phải đi chứ biết làm sao.

Tôi đi ra sân bay lúc 6h sáng, trời còn tối âm ỉ. Tôi không đánh thức bạn ở cùng nhà dậy mà chỉ để chìa khóa lại trên bàn. Đi ra đến cổng, bác bảo vệ đang ngái ngủ thấy tôi thì vui vẻ hẳn lên. "Chip, đi đâu mà sớm vậy?" "Cháu ra sân bay đi Brunei ạ." "Thích ha, thế bao giờ quay lại đây dẫn bác sang Việt Nam?" Tự nhiên tôi không biết trả lời thế nào. Đến lúc đấy tôi mới phần nào nhận ra rằng có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại bác. Cổ họng tôi nghẹn cứng lại. Tôi cười cầu tài rồi đi vội ra bến metro.

Tàu sớm trống trơn, tôi ngồi một mình một toa mà lòng buồn xo. Tôi đi vội vã quá. Tôi quyết định đi ngày 9/5, bay ngày 13/5. 4 ngày vừa qua tôi cắm đầu vào lo đủ mọi chuyện mà không hề nghĩ đến khả năng nếu tôi thành công, tôi sẽ phải chia tay với Kuala Lumpur. Bao nhiêu người tôi yêu quý ở đây mà tôi chưa có dịp chào tạm biệt. Không biết mọi người có trách mình không nhỉ? Tôi thở dài, ngủ quên lúc nào không biết.

Đến sân bay, tôi thấy mình có tin nhắn từ Phillips. Tôi nhắn tin cho Rudy bảo đừng đến đón tôi nữa rồi tắt vội điện thoại. Brunei, here I come!
---

2. Người Việt Nam ở Brunei

Hồi ở Malaysia, có một chị làm với Amway có liên lạc với tôi để phát triển thị trường sang Việt Nam. Vốn có ác cảm với bán hàng đa cấp, tôi không mặn mà cho lắm. Khi đọc blog về quyết định của tôi, chị nhiệt tình hẹn gặp. Nghĩ cũng chẳng thiệt thòi gì, tôi đồng ý. Chị kể rằng chị lấy chồng người Brunei, gia đình chị bên đấy có người giúp việc người Việt, tên là Yến. - Brunei có rất nhiều người lao động Việt Nam. Em có muốn viết bài thì gặp họ, nhiều chuyện hay ho lắm.
- Hay ho thế nào hả chị?
- Mới gần đây có một người lao động Việt Nam bị đột tử khi đang làm việc. Để tiết kiệm tiền vận chuyển về Việt Nam, ông chủ đề nghị cắt xác thành 3 mảnh.

Tôi nghe mà lạnh cả xương sống. Vậy nên, việc đầu tiên tôi làm khi đặt chân lên đất Brunei là tìm cách liên lạc chị Yến. Thực ra, việc đầu tiên sau khi đã làm một tour quanh Bandar trên chiếc xe gyp bụi bặm của Phillips. Anh thả tôi tại Gadong - trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất của Bandar.

Mới nghe tôi nói tiếng Việt, chưa kịp hỏi han gì, chị Yến đã "ra lệnh":
- Em đang ở đâu?
- Gadong ạ.
- Ra chợ cá đứng đợi anh nhà chị đến đón.

Chị Yến với anh Dũng đến đón tôi trên chiếc xe con màu đỏ.
- Anh chị bên này cũng có xe ô tô sang ghê.
- Gì chứ em hỏi dân Việt Nam bên này ai mà không biết anh: người Việt Nam giàu nhất Brunei! - Anh Dũng tự hào khoe.

Anh giàu nhất hay không thì tôi biết, nhưng chắc chắn anh chị là người rất "nổi tiếng" trong cộng đồng người Việt. Chị Yến đã từng lên báo Brunei, còn anh Dũng trong thời gian 2 năm rưỡi ở đây đã giúp đỡ không ít anh em ổn định khi mới sang.

Nhà anh Dũng nằm sâu trong một con hẻm. Căn nhà thực ra chỉ là vài tấm gỗ ghép lại. "Xưởng chủ cho ở nhờ đấy," anh Dũng bảo. Quần áo phơi đầy lối đi, chị Yến có vẻ ngại vơ vội đống quần áo nhét vào sau tấm gỗ. Tôi nghĩ thầm, nhà "người giàu nhất" mà còn như thế này thì không biết anh em khác sống sao. Nghĩ trong bụng thế thôi chứ không dám hỏi vì sợ anh chị tự ái. Số tôi may, đúng hôm đấy trời mưa nên mọi người tập trung ở nhà anh Dũng nhậu nhẹt. Nói nhậu nhẹt cho oai chứ thực ra chỉ là uống trà với lạc rang. Khi tôi đến, chị Yến mới lấy ra một lon nước tăng lực mời riêng tôi. Biết anh chị coi tôi là "khách quý", tôi xúc động lắm.

Lâu không gặp người Việt, mọi người tranh nhau kể chuyện, từ những vất vả khi làm việc, bị chủ quỵt tiền, đến cả những chuyện thâm cung bí sử mà mọi người bắt tôi hứa không được kể với ai.
- Em thử hình dung, bên này người thân không có, tiếng thì chẳng nói được, chủ thì nó khinh, mình phải tìm đến với nhau thôi em ơi.

Lúc mọi người nói từ "khinh", tôi cũng chưa hiểu lắm. Nhưng sau khi tự mình trải nghiệm, tôi mới thấm thía cái từ này. Tôi có gặp một chị tên là Caroline, cũng do chị làm với Amway giới thiệu. Không cần biết tôi có đang tìm việc hay không, chị thẳng thắn đề nghị:

- Công ty chị đang muốn đưa khách từ Việt Nam sang, em làm cho bọn chị, lương 500 đô Brunei.

Tôi hoảng hồn, lương thế thì chỉ bằng 1/10 mức lương trung bình bên này.

- Lương thế thấp quá, không đủ tiền sinh hoạt chị ơi.
- Lao động nhập cư thì thế thôi em, so với ở Việt Nam thì chắc cũng cao chán rồi.

Tôi lịch sự từ chối nhưng trong lòng vô cùng ấm ức. Nhờ vào nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ, Brunei trở thành một vương quốc vô cùng giàu có với thu nhập bình quân đầu người lên tới trên 50,000 USD/năm. Người dân Brunei được nhà nước cấp nhà, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đều miễn phí. Thu nhập cao, không ai muốn làm việc nặng nhọc. Những công việc như lái xe, phục vụ bàn, dọn dẹp nhà cửa, trồng rừng, làm vườn ... được dành hết cho người lao động nhập cư. Với dân số chỉ vỏn vẹn 400,000 ngàn người, Brunei có tới 100,000 người lao động nhập cư, chủ yếu đến từ Indonesia, Philippines, Việt Nam. Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng thực sự người dân ở đây nhìn chung đều coi người lao động nhập cư là "tầng lớp dưới", "tầng lớp phục vụ" cho họ, một thái độ mà khi gặp tôi, chính Stephen Ignatius, nhà báo đầu tiên của Brunei, cũng thừa nhận là có tồn tại và ông rất buồn vì điều đó.

Tôi thấy xót xa cho người Việt mình ở đây vô cùng. Mưu sinh nào có dễ dàng gì. Vất vả là thế, vậy mà nhiều khi còn bị quỵt tiền lương. Các công ty môi giới đưa sang đến đây là bỏ mặc, không giúp đỡ được gì. Thấp cổ bé họng, kiện cáo không được, mọi người đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Đã trót vay mượn một đống tiền để sang đây, chẳng lẽ lại gây hấn để bị đuổi về tay không? Mặc dù còn rất nhiều chuyện tâm sự, nhưng tôi có hẹn với Caroline BonAsia lúc 9h tối nên tôi xin phép về. Anh Dũng bảo nếu tôi thực sự muốn tìm hiểu cuộc sống người Việt Nam bên này thế nào thì sáng sớm mai theo anh đi xuống rừng nơi người Việt làm việc. Biết tính người Việt hay nói một đằng làm một nẻo, tôi phải hỏi lại cho chắc chắn:

- Ngày mai anh đi làm vậy có chắc là đưa em đi được không?
- Được được, không phải lo. Đúng 6h sáng mai ra cổng siêu thị anh đến đón.

---
3. Không khóc ở Brunei
Khi ra đi quyết tâm là vậy, tôi nào đâu biết mới sau đêm đầu tiên tôi đã suýt phải bật khóc.

Sáng hôm sau tôi háo hức dậy sớm, mượn điện thoại Phillips gọi cho anh Dũng. Tôi tin chắc thế nào anh cũng đang trên đường đến đón tôi rồi. Nào ngờ đâu, tôi tá hỏa khi anh ậm ừ nói là bận không đi được. Phillips lúc đấy cũng phải chuẩn bị đi làm, đồng nghĩa với việc tôi bị "đá" ra khỏi nhà.

- Tối nay anh với bạn đi Rainforest Music Festival ở Miri. Em chịu khó tìm chỗ khác ở nhé.

CouchSurfing là thế. Tôi có phòng trống, tôi cho bạn ở nhờ. Tôi không có thời gian cho bạn nữa, tôi đuổi bạn đi. Không trách nhiệm, không oán trách.

Anh để tôi lại trước cổng một siêu thị nào đó trên đường đi làm.

Sáu giờ sáng, bầu trời Brunei xanh xanh ngắt, mà lòng tôi buồn buồn xắt. Tôi ngồi một mình trước cổng siêu thị vắng tanh vắng ngắt, không có nơi nào để đi, không có ai để nhờ giúp đỡ, cũng không có điện thoại để liên lạc với ai. Ba người đầu tiên tôi gặp ở Brunei: một người cho tôi leo cây, một người đá tôi ra khỏi nhà, một người đối xử với tôi như người lao động nhập cư. Tôi không khóc mà nước mắt cứ chực trào ra. Thế này mà đòi đi vòng quanh thế giới à? Mới có qua ngày đầu tiên tôi đã thảm hại thế này rồi à? Còn sớm quá chẳng thể làm được gì, tôi lấy cuốn sách mình mang theo ra đọc.

Tôi chẳng nhớ là lúc đấy tôi đọc gì, nhưng nó làm cho tôi phấn chấn hơn rất nhiều. "Không thể ngồi đây ăn vạ mãi được," tôi tự nhủ. Tôi quyết định gạt lòng tự ái của mình sang một bên, đến cây điện thoại công cộng, gọi cho Caroline. Vì tôi không biết mình đang ở đâu, chị bảo tôi tìm cách đến siêu thị Gadong sẽ cho xe đến đón.

Thử thách của tôi bây giờ là làm sao tìm được đường đến siêu thị Gadong. Nói thêm một chút về Brunei. Vương quốc này chắc chắn không dành cho khách du lịch. Ai cũng có xe riêng, lái xe riêng nên không ai dùng xe buýt, taxi. Hệ thống xe buýt bên này vô cùng khó đoán, còn taxi thì cả nước chỉ có trên dưới 40 chiếc, nằm chủ yếu ở sân bay. Mà giả sử tôi có may mắn tìm được taxi thì cũng chẳng đủ tiền trả bởi giá vô cùng đắt đỏ. Tôi tìm mấy nhân viên siêu thị hỏi đường thì không ai nói được tiếng Anh. Tôi quyết tâm đi bộ rồi hỏi đường dần dần.

Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra mình là người duy nhất đi bộ trên đường. Người Brunei không có thói quen đi bộ, đi từ đường bên này sang bên kia cũng lái xe. Bí quá không biết làm thế nào, tôi giơ tay ra muốn dừng xe lại để hỏi đường. Lái xe đều nhìn tôi lắc đầu. Aaaaa, tôi chỉ muốn hỏi đường thôi mà, ai thèm đi nhờ xe!

Trời nắng chang chang, cái ba-lô 10kg trên lưng tôi bắt đầu làm mình làm mẩy. Lưng tôi ướt sũng mồ hôi. Đi bộ được hơn một tiếng, tôi nản quá bỏ luôn ý định dừng xe thì bất chợt một chiếc xe đỗ xịch lại trước mặt. Anh chàng không nói được tiếng Anh, tôi bập bẹ duy nhất từ Gadong Gadong. Anh chàng ra dấu hiệu cho tôi lên xe đi.

Với vốn tiếng Malay bập bẹ, tôi biết anh tên là Arnand. Anh có một cửa hàng sửa chữa cơ khí gì đó. Anh lái xe đi miết mà chả thấy bóng dáng siêu thị Gadong đâu. Bất  chợt anh rẽ vào một ngõ hẻm vắng tanh vắng ngắt, dừng lại trước một cánh cổng đóng kín mít và ra hiệu cho tôi đi theo anh. Trời ơi đây là đâu? Tôi lo cuống cả lên, nhưng không muốn để Arnand biết. Tôi đành đi theo anh. Anh bảo tôi cứ để ba-lô trên xe, nhưng tôi cứ mang theo có gì còn ... chạy.

Đi qua cánh cổng, rẽ vào một ngõ hẻm nữa, Arnand dừng lại trước một quán ăn. Tôi giật mình ngã ngửa, hóa ra Arnand chỉ muốn dẫn tôi đi ăn sáng. Thần hồn nát thần tính quá đây mà.

Trong menu có món "Phở Việt", tôi gọi ăn thử thì thấy nó chả Việt Nam tí nào. Trong bát phở có ngô, cà rốt, nấm, ... tất cả những thứ mà chả bao giờ mình nhìn thấy trong phở Việt Nam. Arnand nhất định không để tôi trả tiền. Ăn xong, Arnand đưa tôi đến Gadong. Tôi sau này có viết về anh trên blog của mình. Bài viết được Brunei FM dịch lại và họ gọi Arnand là "người Brunei của tháng". Qua đó, rất nhiều người Brunei gửi email cho tôi nói là nếu tôi cần giúp đỡ gì ở Brunei thì cứ báo họ. Rất tiếc, lúc đấy tôi đã cao chạy xa bay khỏi Brunei rồi.

---
4. Mưa ở Lễ hội Rừng mưa

Thời gian còn lại ở Brunei tôi dành để thăm thú các điểm du lịch nổi tiếng của Brunei: các ngôi đền thờ Hồi giáo trị giá hàng triệu đô, cung điện Sultan nguy nga tráng lệ, làng nổi lớn nhất thế giới Kampong Ayer - nơi 10% dân số Brunei sinh sống. Nhờ may mắn, tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với Stephen Ignatius - nhà báo đầu tiên của Brunei và Tegla Loroupe - nữ vô địch điền kinh thế giới, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ người Kenya với câu chuyện cuộc đời giàu sức truyền cảm hứng. Sinh ra trong một gia đình với 24 anh chị em, lớn lên trong một nền văn hóa nơi phụ nữ không được đến trường, không được chơi thể thao, cô gạt bỏ những kỳ thị để theo
đuổi đam mê của mình: chạy. Mối quan hệ của tôi với Caroline cũng được cải thiện đáng kể. Tôi bấy giờ đã chuyển đến ở nhà Rudy - CouchSurfer mà tôi lỡ cho "leo cây" từ ngày đầu tiên. Tối tối, Caroline đều gọi điện hỏi tôi có ổn không khiến tôi vô cùng xúc động. Có một chuyện vui để thấy Brunei nhỏ như thế nào. Khi biết tôi đến ở nhà người lạ, Caroline rất lo lắng, hỏi tên đầy đủ của Rudy. Rồi sau chỉ vài cú điện thoại, Caroline đã biết chính xác tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của Rudy, thật đáng sợ. "Brunei như một cái làng vậy. Ở đây từ nhỏ đến lớn, ai cũng biết ai."

Một buổi chiều, tôi đang ngồi dùng Internet ở văn phòng của Caroline khi chị đột ngột hỏi:
- Này, mai đi Rainforest Music Festival ở Miri không?
- Mai á?
- Ừ.

Thế là tôi cũng gật bừa. Lúc đó tôi đã quên béng vé máy bay khứ hồi về lại Malaysia. Ở Malaysia đã lâu, tôi chưa bao giờ sang bán đảo Đông Malaysia, khu vực mà bạn bè người Malaysia của tôi đều bảo là "Malaysia thực sự".

9h sáng hôm sau, tôi có mặt ở văn phòng Caroline. Caroline lái chiếc xe Honda 7 chỗ to đùng. Tò mò tôi hỏi:
- Sao đi xe to cho tốn xăng hả chị?

Chị phá lên cười không trả lời. Sau này tôi mới biết xe 4 chỗ của nhà chị toàn "xe xịn". Người Brunei coi Malaysia là một quốc gia kém phát triển, không an toàn nên không ai lái xe xịn sang đấy cả. Xăng dầu ở Malaysia không phải là vấn đề, bởi giá cả ở đây cực rẻ. Một lít xăng lúc bấy giờ chỉ nửa đô Brunei (khoảng 6 ngàn tiền Việt). Caroline cho hay những người Miri làm việc ở Brunei hay vận chuyển lậu xăng từ Brunei về Malaysia để bán với giá cao gấp đôi, nên chính phủ Brunei có luật giới hạn việc mua bán xăng của người lao động nước ngoài ở đây.

Hai giờ lái xe từ Bandar đến Miri là cơ hội tuyệt vời để thưởng ngoạn phong cảnh làng quê Brunei. Brunei quả thực là một đất nước vô cùng xanh sạch đẹp. Ở đâu cũng toàn cây là cây. Do mức độ ô nhiễm thấp, bầu trời Brunei xanh ngắt. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy bầu trời ở đâu xanh đến như vậy.

Miri thuộc bang Sarawak, khu vực tự trị của Malaysia với visa và con dấu xuất nhập cảnh riêng. Người Việt Nam mình không cần visa cho Malaysia nên cũng không cần visa cho Sarawak. Những ai cần visa để vào Malaysia, nếu muốn vào Sarawak sẽ phải nộp hồ sơ xin visa Sarawak lúc xin visa Malaysia. Các bác làm cục hải quan Sarawak rất dễ chịu, chỉ nhìn hộ chiếu của tôi rồi cho đi mà không đóng dấu nhập cảnh. Tôi hơi băn khoăn nhưng lúc đấy mải vui nên cũng không hỏi, không hề biết rằng việc không có con dấu đấy sẽ gây cho tôi không ít rắc rối khi tôi rời khỏi Malaysia sau này. Sang đến Miri rồi, tôi mới chợt nghĩ ra:

- Tối nay ngủ ở đâu hả chị?
- Dĩ nhiên là khách sạn rồi.

Bạn của Caroline đã đặt phòng cho chúng tôi ở khách sạn sang trọng nhất của Miri, mà lại là phòng xịn nhất. Bạn của Caroline làm trong ngành du lịch nên anh lấy được giá rẻ, nhưng vẫn quá sức ngoài ngân sách của tôi. Caroline nhìn tôi có vẻ thông cảm:

- Em trả được bao nhiêu thì trả thôi, còn lại chị trả.

Nhưng để chị trả cũng hơi ngại, nên tôi tự trả hết phần của mình. Vèo một phát đã hết $100. “Thôi, sau mấy ngày vật vã ở Brunei, một đêm đệm ấm chăn êm cũng bõ”, tôi tặc lưỡi. Bệnh sĩ chết trước bệnh tim đấy mà.

Đến nơi tôi mới biết đấy là thời điểm tốt nhất để thăm Miri. Lúc đó thành phố này đang tổ chức kỷ niệm ngày chính thức thành lập với rất nhiều lễ hội. Đường phố tràn ngập những trang trí rực rỡ. Chúng tôi không tham gia được Music Festival vì vé đã bán hết, nhưng hóa ra thế lại may bởi tối hôm đó trời mưa suốt, người đi xem phải chạy như vỡ đám. Charles và Justin, bạn của Caroline, đến đón chúng tôi ở khách sạn và một đêm ăn long trời lở đất bắt đầu. Tôi chưa bao giờ ăn nhiều đồ ăn ngon đến thế. Trước hết, chúng tôi đến một nhà hàng trên bãi biển ăn satay. Satay là món ăn quốc gia của Indonesia nhưng hết sức phổ biến ở Malaysia. Đây đại khái là thịt xiên, nhưng ăn với nước sốt rất ngon. Ở Malaysia, mình được chọn que thịt sống, tự nhúng vào nước sốt sôi sùng sục, nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Charles gọi cho tôi đồ uống đặc trưng của Miri. Tôi không biết tên gọi của nó là gì, nhưng nó bao gồm rất nhiều thứ: lúa mạch, vải khô, thạch, ... và có mùi thơm rất dễ chịu. Sau đó chúng tôi đến một nhà hàng hải sản được cho là nổi tiếng nhất của Miri. Phải nói là hải sản Malaysia còn lâu mới bằng hải sản Việt Nam, nhưng tôi đặc biệt thích món nghêu hấp sả và mực chiên bột. Tiếp theo là đồ tráng miệng ở Citrus, và đây vẫn là đồ tráng miệng ngon nhất mà tôi từng ăn. Nó bao gồm bánh chuối, chuối, siro và sô-cô-la trên một đĩa nóng. Chúng tôi cũng đi thăm Marina Bay - nhà hàng xây trên biển bởi tôi tò mò về kiến trúc của nhà hàng này. Xây nhà trên cát quả thực không đơn giản. Trước hết, họ phải củng cố móng, đợi cho mọi thứ lắng đọng và đông đặc lại mới bắt đầu xây được nhà. Toàn bộ nhà hàng được xây bằng gỗ, trạm khắc tỉ mỉ bởi những thợ lành nghề nhất của Indonesia. Từng tấm gỗ đều được bảo quản đặc biệt để chống chọi với cái ẩm ướt từ biển.

Chúng tôi trở về khách sạn lúc nửa đêm, no đủ và vui vẻ. Tôi ngủ một lèo đến sáng, chẳng lo nghĩ gì.

---
5. Khách sạn có ma ở Sibu
Sáng, Caroline lên đường trở lại Brunei. Tôi tỉnh dậy, và bắt đầu hỏi một câu hỏi, một câu hỏi mà kể từ đó về sau, tôi phải tự hỏi mình rất nhiều: "Đi đâu bây giờ nhỉ?" .

Tôi gửi đồ của mình ở khách sạn và bắt đầu đi vòng vòng quanh thành phố để lấy ý tưởng. Tôi gặp một nhóm xe vespa từ Brunei, qua Miri tham gia diễu hành mừng sinh nhật thành phố. Biết tôi đi du lịch một mình từ Việt Nam, họ hết sức thích thú, xin chụp ảnh cùng và xin số liên lạc. Họ gợi ý cho tôi đến Kuching - thủ phủ bang Sarawak. Đây được coi là mảnh đất của những huyền thoại, những cánh rừng nguyên sinh, những chú chim mỏ sừng Rhinoceros và những bộ tộc săn đầu người. Tôi quyết định đến Kuching, nhưng trên đường đi, tôi muốn ghé thăm Sibu - thành phố người Hoa duy nhất ở Đông Malaysia. Dân số ở đây chủ yếu là người Hoa Foochow, nổi tiếng với ẩm thực Foochow của mình.

Caroline gọi cho tôi lúc tôi đang ở trên xe buýt. Lo lắng vì tôi sẽ đến Sibu lúc nửa đêm, chị giới thiệu cho tôi với Koh, một người bạn của chị ở Sibu. Koh đón tôi ở bến xe và dẫn tôi vào thành phố tìm khách sạn. Vì lúc đó đã muộn, tôi đã khá mệt và không muốn làm phiền Koh nhiều, tôi chọn bừa bất kỳ khách sạn nào tôi thấy. Đó là một khách sạn khá lớn ở ngay trung tâm thành phố, có vẻ cũ kỹ, nhưng được cái khá rẻ (50RM ~ $15), lại có wifi. Người đàn ông gốc Hoa ở bàn tiếp tân không nói được tiếng Anh. Koh giúp tôi check in và để tôi ở lại trong phòng một mình.

Việc đầu tiên tôi làm khi nhận phòng là kiểm tra nhà vệ sinh. Vòi nước và xả bồn cầu không hoạt động. Tôi chạy xuống gọi người đàn ông trực đêm, ông vào kiểm tra thì mọi thứ đều hoạt động bình thường. Ông đi xuống và tôi bắt đầu sửa soạn để tắm. Đột nhiên, tôi nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm, ai đó mở vòi nước rồi lại đóng lại. Tôi chạy vào xem, thì thấy nước vẫn chảy, bồn cầu đang xả nước và cuộn giấy vệ sinh tự động thả giấy xuống. Hoảng hồn, tôi lao xuống bàn tiếp tân, cố gắng giải thích cho người đàn ông nhưng ông không hiểu. Tôi không thể check out và tìm khách sạn khác, bởi Sibu không chỉ nổi tiếng bởi đồ ăn của mình, mà còn nổi tiếng với những bang nhóm gangster thống trị mọi ngóc ngách phố ban đêm. Tôi đành quay lại phòng, mở Facebook và bắt đầu kêu khóc với bất cứ ai tôi gặp online. Tôi không dám sử dụng nhà vệ sinh, thậm chí không dám tắm. Đến khoảng 3 giờ sáng, mọi âm thanh kỳ lạ kết thúc, và tôi ngủ thiếp đi khoảng 1 giờ sau đó.

Sáng hôm sau, tôi đi xuống và gặp một phụ nữ người Hoa ở bàn tiếp tân. Bà có thể nói tiếng Anh. Tôi kể lại cho bà những chuyện oái oăm lúc nửa đêm. Bà chẳng có vẻ gì ngạc nhiên:
- Cháu ở phòng nào?
- 405.
- Ở đây không có phòng 405.

Tôi giật mình lại chìa khóa phòng: 407. Vì lý do nào đó, cả đêm tôi cứ nghĩ mình ở phòng 405. Tôi cũng không hiểu sao ở đây không có phòng 405. 405 không phải là một con số đen đủi trong văn hóa người Hoa. Tôi hỏi nhưng không nhận được câu trả lời. Tôi check out, Koh đến đón đưa tôi về nhà chị. Có cho tiền tôi cũng không dám ở khách sạn đấy thêm một đêm nữa.

Vợ chồng Koh có hai con gái, con gái lớn học lớp 9, con gái nhỏ mới có 5 tuổi, tên là Chloe. Không hiểu sao, Chloe rất thích tôi, không chịu rời tôi nửa bước. Koh cũng bảo tôi là người lạ đầu tiên Chloe bạo dạn đến thế. Koh và Chloe dẫn tôi đi thăm quanh thành phố. Nhưng tôi thích tự mình khám phá thành phố hơn. Đúng là thành phố người Hoa, nhà hàng nào cũng trưng biển tiếng Hoa, kiến trúc cũng đậm màu sắc Hoa và đồ ăn Foochow cực kỳ hấp dẫn. Sibu có một con sông lớn hết sức thơ mộng, với ngôi chùa Tua Pek Kong cổ kính từ thế kỷ 19 soi bóng kề bên. Tháp chùa có 7 tầng, trèo lên trên đỉnh có thể có cái nhìn toàn cảnh thành phố. Tôi đặc biệt ấn tượng với chợ Sibu. Đây là một chợ vô cùng lớn, rực rỡ nhiều màu sắc với nhiều loại hoa quả tôi chưa thấy bao giờ. Ham ăn, tôi chết mê chết mệt đồ ăn ở đây. Kompyang - món bánh quy đặc trưng của Sibu, làm từ bột mỳ, hành, mỡ và muối với nhân đa dạng tùy sở thích: nhân thịt, nhân rau, nhân ngọt, ... ăn với nước sốt. Kampua Mieng - mì xào khô với thịt lợn xắt miếng, một đặc sản khác của Sibu. Chai Pau - bánh bao chay. Tôi cũng thử món lòng lợn xào hành tây mà tôi cứ nghĩ chỉ Việt Nam mới ăn lòng lợn xào, và món chè Sibu. Tôi ở với gia đình Koh một ngày, tối bắt chuyến xe buýt qua đêm đến Kuching. Koh gói đồ ăn để tôi không bị đói trên xe buýt. Tôi cảm kích vô cùng, không biết phải cảm ơn thế nào cho đủ.

[...]

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá C4E

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhQuảng Văn
Ngày xuất bản2013-01-31 07:00:00
Kích thước13 x 21 cm
Loại bìaBìa mềm
Số trang480
SKU2512761665995
Liên kết: Set 10 miếng mặt nạ dưa leo Real Nature Cucumber The Face Shop