Giới thiệu Sách - Những Nhân Chứng Cuối Cùng
Công ty phát hành: Phụ Nữ
Nhà xuất bản: NXB Phụ Nữ Việt Nam
Tác giả: Svetlana Alexievich
Loại bìa: Bìa Mềm
Số trang: 326
Năm xuất bản: 2020
Tác phẩm Những nhân chứng cuối cùng (ấn bản lần đầu năm 1985) là quyển thứ hai trong loạt năm quyển “Những giọng nói không tưởng”: Chiến tranh không mang một khuôn mặt phụ nữ, Những cậu bé kẽm, Lời nguyện cầu Chernobyl và Thời second hand, đã mang đến cho nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich giải Nobel Văn chương 2015. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Ba Lan năm 2013, nữ nhà văn cho biết ý tưởng viết quyển sách thứ hai này xuất phát từ những chuyến đi thực tế cho quyển sách đầu tiên Chiến tranh không mang một khuôn mặt phụ nữ. Cuộc chiến tranh chống phát xít Đức cướp mất hàng chục triệu con người Liên Xô đã khiến nhiều ngôi làng Xô viết sau chiến tranh không còn bóng dáng đàn ông, và tại những ngôi nhà góa bụa đó, bà thường nghe được hai câu chuyện: Một của người mẹ và một của đứa con. Nhờ đó, bà phát hiện: “còn một kho cất giữ nỗi đau còn tinh khôi, hoàn toàn chưa được động tới”: ký ức trẻ thơ. Người ta đã quen nghe nói về chiến tranh từ người lớn, nhưng chỉ những chuyện kể từ miệng trẻ em mới có thể bộc lộ hết sự điên rồ của chiến tranh, sự hung bạo phi nhân tính không gì có thể biện bạch. Trung thành với thể loại văn xuôi tư liệu của loạt “Những giọng nói không tưởng”, Svetlana Alexievich kể, trong Những nhân chứng cuối cùng bà ghi lại lời những “nhân vật trẻ em” khi họ đã trưởng thành. Đây là một công việc hết sức khó khăn. “Một giáo sư sử học thì nói những điều rất khác, rất ‘người lớn’ về chiến tranh. Nên cần nhiều thời gian, bốn hay năm giờ đồng hồ để lộ ra được diện mạo một cậu bé có mẹ bị quân Đức lôi ra khỏi nhà đem bắn. Để cậu bé có thể nhìn tận mắt mình: ‘Tại sao họ bắn mẹ. Mẹ đẹp như thế…’. Cần phải đạt tới được những chi tiết chân thực, tinh khôi, trẻ thơ đó. Vấn đề là gột sạch cái người lớn từ những chuyện kể này”. Và tác giả đã làm như thế với cả trăm câu chuyện trẻ thơ, được kể lại bởi những người mà khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, họ mới từ 4, 5 đến 12 tuổi. Hơn một trăm câu chuyện của những đứa bé sống ở Belarus – nằm sát biên giới Ba Lan, là nước đầu tiên trong khối Liên bang Xô viết bị phát xít Đức bất ngờ tấn công ngày 22-6-1941, đã đạt được mục đích mà Alexievich đặt ra: Nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh nào. Người Nga chưa bao giờ lãng quên những năm tháng nặng nề nhất với số phận dân tộc mình. Bảy mươi hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, những tượng đài vẫn tiếp tục được lưu dấu. Bởi những người cựu binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã già lắm rồi, họ đến dự cuộc duyệt binh Chiến thắng mỗi năm một thưa dần. Con cháu họ cũng đã lớn, ký ức của các nhân chứng ngày càng ít đi này đang dần phôi phai. Và ở thế giới vẫn còn chiến tranh của chúng ta, những câu chuyện của các “nhân chứng cuối cùng” này, được gia cố thêm bằng những tượng đài kia, là một nỗ lực nhắc nhở. Sau giải Nobel văn chương 2015, loạt sách “Những giọng nói không tưởng” đã được tái bản, có sửa chữa. Bản dịch này dựa trên quyển sách Những nhân chứng cuối cùng được tác giả hiệu đính và nhà xuất bản Vremya phát hành năm 2016. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng gởi tới quý độc giả bản dịch tác phẩm Những nhân chứng cuối cùng vào mùa Thu năm 2020. Tác giả Svetlana Alexandrovna Alexievich là nhà văn Belarus nổi tiếng thế giới viết bằng tiếng Nga. Bà sinh năm 1948 ở Stanislav (hiện là Ivano – Frankovsk, Ukraine). Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, bà làm việc cho tờ Báo nông nghiệp và tạp chí Neman ở Minsk. Trong suốt vài thập niên bà đã viết biên niên tư liệu – nghệ thuật “Những giọng không tưởng” – gồm năm quyển sách (Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ - 1983, Những nhân chứng cuối cùng - 1985, Những cậu bé kẽm - 1989, Lời nguyện cầu Chernobyl - 1997, Thời second-hand - 2013) và để những “con người nhỏ bé” đích thân kể về số phận của mình. Thực chất, đây là một thể loại đặc biệt, một loại tiểu thuyết chính trị đa giọng, trong đó những câu chuyện nhỏ bé hợp thành một lịch sử lớn. Từ đầu năm 2000 bà sống ở Ý, Pháp, Đức, Thụy Điển. Năm 2012 bà trở về Belarus. Các tác phẩm của Svetlana Alevievich đã được dịch ra 35 thứ tiếng, là nền tảng cho hằng trăm bộ phim điện ảnh, kịch sân khấu và truyền thanh trên khắp thế giới, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Năm 2015 bà được trao giải Nobel Văn chương vì những công hiến của mình.
Giá MEDUSA