Giới thiệu Sách - Điều Dưỡng Trong Tim Mạch Can Thiệp
Sách - Điều Dưỡng Trong Tim Mạch Can Thiệp
Tác giả PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản NXB Y Học
Đơn vị phát hành NXB Y Học
Ngày xuất bản 10-2019
Số trang 330
Kích thước 14.5 x 20.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Nội dung
"Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2012, hàng năm có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới đã tử vong do bệnh tim mạch. Với các nước đã phát triển, bệnh tim mạch đã được khống chế đáng kể và đã có sự kìm hãm đà tăng từ những năm 1980. Tuy vậy, tổng số bệnh nhân tim mạch vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất.
Trái với các nước phát triển, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, bệnh tim mạch lại đang gia tăng nhanh chóng làm tăng gánh nặng về bệnh tật cũng như xã hội, đòi hỏi các nhà chuyên môn cần nỗ lực nhiều trong sứ mệnh ngăn ngừa và điều trị các bệnh tim mạch. Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển tiếp của mô hình bệnh tật tim mạch. Bên cạnh những bệnh tim mạch truyền thống của các nước kém phát triển (như bệnh lý van tim do thấp tim; các bệnh tim bẩm sinh…), những bệnh tim mạch không lây nhiễm như bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch não… đã gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra về tăng huyết áp tại Việt Nam, nếu như những năm 1980, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là khoảng 11%, thì năm 2007, tỷ lệ này tăng tới khoảng 27%. Thống kê tại Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy, số bệnh nhân bị bệnh ĐMV nhập viện đó gia tăng nhanh chóng: năm 1997 cứ khoảng 1,2%, đến năm 2003 là 12% và đến năm 2007 xấp xỉ 24% (nguồn: thống kê bệnh viện tại Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai).
Chúng ta rất vui mừng là được sống trong giai đoạn với nhiều tiến bộ và phát triển bùng nổ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học, đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch. Những tiến bộ khoa học này đã mang lại nhiều lợi ích vượt trội trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch cho người bệnh, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân tim mạch (nhiều bệnh mà trước đây được coi là nan giải, không lối thoát hay còn được gọi nôm na là “Y học bó tay”), góp phần cải thiện tiên lượng bệnh và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trong số các tiến bộ mới đó, sự ra đời của Tim Mạch Can Thiệp (TMCT) là một bước tiến rất đáng kể đối với y học nói chung và tim mạch nói riêng. Kỹ thuật TMCT tuy ra đời không phải lâu, từ khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây. Đây là một kỹ thuật đặc biệt thuộc chuyên ngành Tim mạch, sử dụng các ống thông (hoặc thiết bị) chọc qua da với một lỗ rất nhỏ, đi vào từ các mạch máu để đi lên tim hoặc các mạch máu để thăm dò chẩn đoán, sửa chữa các bệnh lý tim mạch. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch. Nhờ có kỹ thuật này mà nhiều bệnh tim mạch phức tạp đã được chẩn đoán và điều trị một cách rất hiệu quả, không phải phẫu thuật và trong một chừng mực nào đó, có nhiều bệnh mà trước đây phẫu thuật cũng không giải quyết được (ví dụ như trong Nhồi máu cơ tim cấp, điều trị các rối loạn nhịp nguy hiểm…).
Cùng với những tiến bộ và sự ra đời của các kỹ thuật mới cũng dẫn đến hình thành nhiều chuyên ngành chuyên sâu mới, trong đó có chuyên ngành Tim Mạch Can Thiệp. Chính những điều đó cũng mang lại nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải có một hệ thống đồng bộ từ cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn nhân lực chuyên sâu có đủ kiến thức và kỹ năng để đảm bảo thực hiện được kỹ thuật một cách hiệu quả nhất. Nhằm đáp ứng nhu cầu đạo tạo về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, nhất là đội ngũ kỹ thuật viên, điều dưỡng viên với những đặc thù riêng, tập thể các cán bộ của Đơn vị Tim Mạch Can thiệp - Viện Tim mạch Việt Nam và của Bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội đã tham gia biên soạn cuốn sách này. Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo tốt không chỉ cho các đối tượng là kỹ thuật viên và điều dưỡng viên trực tiếp thực hành trong chuyên ngành sâu về Tim mạch can thiệp mà còn cho những đối tượng thực hành trong chuyên ngành tim mạch và các chuyên ngành khác có liên quan."
Giá PZP