Giới thiệu Sách - Chuyện trên mây - Thái Hà Books
Chuyện trên mây
Công ty phát hành: Thái Hà
Tác giả: Lý Tứ
Số trang: 420 trang
Khổ: 15,5 x 24
Nhà xuất bản: Hà Nội
Ngày xuất bản: 1/2021
Phật đạo luôn nhắc đến hai từ “viên mãn”! Ở góc nhìn nào đó, viên mãn còn mang ý nghĩa về sự toàn bích của hai thành phần chính làm nên Phật đạo, đó là Giáo tông và Tâm tông! Người xưa thường ví Giáo Tông và Tâm tông trong Phật đạo như đôi cánh của một con chim, như hai chân của một người… Con chim mà đôi cánh không hoàn hảo sẽ không thể bay cao, bay xa… Con người mà đôi chân không lành lặn, sẽ khó có thể hoàn thành hành trình dài hơi đầy khó khăn, nhiều thử thách!
Phật đạo là chân lí, mà chân lí chính là sự thật hằng hữu trong mỗi pháp… Mà, đã là sự thật hằng hữu thì không có cái được gọi là bí mật! Vì thế, cái cớ sự được gọi là “bí” chỉ xảy ra khi người ta không hiểu (điều gì đó)… Cái cớ sự được gọi là “mật” chỉ xảy ra khi người ta không thấy (điều gì đó)… Ta có thể tạm hiểu: Không hiểu gọi là bí, không thấy gọi là mật! Để con đường tu tập và giáo pháp không còn bí mật, người tu hành thành tựu Giáo tông sẽ giải quyết cớ sự bí, cho ra Thuyết thông… Thành tựu Tông thông sẽ giải quyết cớ sự mật, cho ra Tông thông! Vì thế, kinh Lăng Già Phật dạy: “Ta có hai thứ thông, Thuyết thông và Tông thông, thuyết dạy kẻ đồng mông, tông vì người tu hành…”. Tổ Huệ Năng cũng nói: “Thuyết thông và Tông thông, như mặt trời giữa hư không, duy truyền pháp kiến tánh, xuống thế phá tà tông…”. Thiết nghĩ, lời Phật (Vị khai sáng Phật đạo) và lời Tổ Huệ Năng (Vị Tổ cuối cùng được chánh truyền đạo ấy) đã nói lên sự quan trọng của Giáo tông và Tâm tông là như thế nào!?
“Chuyện trên mây” cuốn sách bao gồm 88 bài viết nhỏ của tác giả Lý Tứ viết về nhiều chủ đề khác nhau của đạo Phật như vô tu vô chứng, sở tri chướng, phiền não chướng, ăn chay hay ăn mặn v.v. Cuốn sách được chia thành rất nhiều bài nhỏ, mỗi bài nói về một vấn đề trong đạo Phật theo cách thú vị và hóm hỉnh mà vẫn sâu sắc của tác giả.
Trích đoạn sách:
“ĐỘ TA” RỒI MỚI “ĐỘ NÀNG”
Câu chuyện xảy ra cách đây trên bảy năm, lúc ấy Lý Gia còn lèo tèo… HĐ (huynh đệ) chừng dăm ba chục!
Một hôm, mình và một vị HĐ còn rất trẻ rủ nhau đi nhâm nhi cà phê ở một quán cóc ven đường… Sau một hồi tâm sự, mình nhìn ra “một cọng tóc công đức” nổi lên từ tâm thức vị HĐ ấy! Thế là mình quyết định đưa vị HĐ này vào quỹ đạo!
Ngặt nỗi, tuy trước khi gặp mình, vị HĐ này cũng có thời gian chừng bốn năm năm tu tập, nhưng kiến thức Phật đạo thì rất tạp nhạp, lơ tơ mơ, hiểu đâu sai đó… Mà thời gian quen mình lại quá ngắn, chưa kịp trang bị cho bạn ấy các kiến thức cơ bản… Nhưng, nhờ vị bằng hữu này là một kĩ sư công nghệ, mình lập tức khai thác nhanh chuyên môn của bạn ấy!
Mình hỏi bạn ấy:
− Bạn giảng giải cho mình, nguyên lí thu phát tín hiệu của chiếc điện thoại di động là như thế nào, có được không?
Thế là bạn ấy thao thao bất tuyệt về công nghệ!
Mình lại hỏi:
− Bạn có bao giờ tự hỏi, vì sao chiếc điện thoại di động cũng thu phát tín hiệu mà vẫn bất động, an nhiên… Còn con người ta, khi thu và phát tín hiệu lại bị dao động và phát sinh phiền não hay không?
Bạn ấy cười và bảo:
− Thầy so sánh thú vị thiệt, chuyện này con chưa từng nghĩ… Thầy phân tích cho con nghe đi!
Thế là cơ duyên đã đến, mình giảng giải cho vị ấy cơ chế sinh tâm, sinh pháp của một hữu tình! Mình hỏi vị ấy:
− Như vậy, bạn có nhận ra sự khác biệt về cơ chế hoạt động khi thu phát tín hiệu của người và máy hay không?
Bạn ấy trả lời:
− Con đã mơ hồ hiểu ra điều gì đó!
− Thế, muốn thu phát tín hiệu một cách rõ ràng mà không phát sinh phiền não, theo bạn thì ta nên thế nào?
− Chỉ thu phát tín hiệu, nhưng tắt nguồn tâm thức!
− Ha ha ha ha! Bạn hay đó! Ngay tại thời điểm này, bạn có thể tắt cái “nguồn tâm thức lu bu” của mình được hay không?
Bạn ấy ngồi chiêm nghiệm một hồi, rồi trả lời:
− Thưa Thầy được! Nhưng còn chập chờn và hay bị nhiễu!
Mình nói với bạn ấy:
− Mình truyền cho bạn một câu chơn ngôn… Bạn hãy tắt nguồn tâm thức, đồng thời dùng câu chơn ngôn này để hộ trì, nhằm giúp tâm thức tịch diệt những chập chờn do nhiễu loạn từ thấy nghe gây nên!
Câu chơn ngôn đó là: “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi… lại… sau”!
Bạn có nhớ câu chơn ngôn này không?
Giá X