HUỲNH THỊ BẢO HÒA: Vấn Đề Phụ Nữ Ở Nước Ta

Tác giả: Đoàn Ánh Dương | Xem thêm các tác phẩm Lịch Sử Việt Nam của Đoàn Ánh Dương
Cuốn sách tuyển chọn các bài báo, công trình, bài viết, sáng tác bàn về vấn đề phụ nữ của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, một trong những nữ sĩ nổi tiếng VN đầu thế kỷ XX, một biểu tượng của phụ nữ Quảng Nam Đà...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu HUỲNH THỊ BẢO HÒA: Vấn Đề Phụ Nữ Ở Nước Ta

Cuốn sách tuyển chọn các bài báo, công trình, bài viết, sáng tác bàn về vấn đề phụ nữ của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, một trong những nữ sĩ nổi tiếng VN đầu thế kỷ XX, một biểu tượng của phụ nữ Quảng Nam Đà Nẵng thời Pháp thuộc về cải cách nữ quyền, đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ trong xã hội. “Bà viết văn, làm báo, diễn thuyết, thành lập Đà thành Nữ công học hội, có mối quan hệ tương kính với các nữ sĩ khác trên khắp vùng Quảng Đà. Cùng với Đạm Phương, Phan Thị Bạch Vân, Huỳnh Thị Bảo Hòa được xem như lá cờ đầu của phong trào phụ nữ VN những năm 1920. Trưởng thành nhờ không khí duy tân sôi nổi của cả vùng Quảng Đà và không gian thị dân cởi mở của Đà Nẵng, Huỳnh Thị Bảo Hòa sớm trở thành một biểu tượng cải cách cho phụ nữ Đà thành. Từ giữa những năm 1920, bà tích cực viết văn, làm báo, tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức hội đoàn cho phụ nữ Đà thành, hô hào và thúc giục họ đấu tranh cho quyền phụ nữ, nam nữ bình quyền và nữ quyền.” (Đoàn Ánh Dương). Những quan điểm của bà về nữ quyền gần gũi và thiết thực, chỉ rõ cho chị em phụ nữ đầu thế kỷ phương cách để trở nên người phụ nữ mới được quyền mưu cầu hạnh phúc đích thực, được tôn trọng và có đóng góp cho xã hội. Các luận điểm trong các bài báo của bà cho đến nay vẫn còn tính thời sự, chứ ko hẳn chỉ mang tính “khai sáng” cho chị em phụ nữ cách đây hơn 1 thế kỷ.

Đặc biệt, bà còn được nhìn nhận là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết, với cuốn trường thiên tiểu thuyết khá hấp dẫn và thấm đẫm tinh thần đề cao đức hạnh và sự tự chủ của người phụ nữ, có tựa đề “Tây phương mỹ nhơn”, đã được sự giới thiệu đầy trân trọng và nhiều lời khen ngợi của các tên tuổi lớn trong làng văn làng báo thời đó như Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Diệp Văn Kỳ và Đạm Phương nữ sĩ.
Nhà xuất bản Phụ nữ VN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tác giả:

Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) là một nữ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Bà tên thật là Huỳnh Thị Thái, sinh tại làng Đa Phước xã Hòa Minh huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Đà Nẵng).

Một số trích đoạn hay:

- “Nay muốn sửa sang nền nữ học, trước hết phải đào tạo tư cách, phổ thông tri thức, mở mang đường thực nghiệp, cho mỗi người có một cái tư cách xứng đáng đối với gia đình với xã hội. Phần tri thức đã mở mang thì trình độ cũng nhơn đó mà cao lên một bực, vì có học thức mới biết yêu cang thường luân lý, và biết trọng đức hạnh tiết trinh, nhiên hậu mới tránh khỏi những điều bại hoại gia phong, đảo điên luân lý, mà làm một bực hiền thê từ mẫu; muốn được như vậy cần phải học nhiều để bắt chước các gương trung trinh tiết liệt, học đòi những việc lịch duyệt thực hành, thì mới biết ăn ở cho tròn bổn phận.” (Huỳnh Thị Bảo Hòa – Bàn về cách mở mang tri thức cho nữ lưu)

- MẤY LỜI NGỎ CÙNG CHỊ EM

Vì sao mà nước ta nghèo? Vì ta thua sút trong trường kinh tế; nguyên nhơn sự thua sút ấy là bởi dân ta hay dùng ngoại hóa, hay chuộng lạ tham thanh, một năm phí biết mấy trăm triệu bạc ra nước ngoài, nên nước yếu dân nghèo vì đó. Gần nay các nhà hữu tâm với nước đã ra công khuyến khích quốc dân tiết kiệm trong sự tiêu xài và lưu tâm đến công nghệ nước nhà, bảo nhau dùng đồ nội hóa, tấm lòng vị nước đáng kính phục biết bao. Nữ quốc dân ta lẽ nào không hoan nghinh tán thành ý kiến chánh đáng ấy, mà lo tiết kiệm trong sự ăn mặc, bớt những món xa hoa vô ích, ngõ [hầu] cho được kết quả tốt. Bấm ngón tay thử tính xem, chị em ta mua dùng hàng ngoại quốc về tơ lụa như cẩm châu, cẩm nhung, bom bay, sa tanh, …, trong một năm biết cơ man nào mà kể, một người trong một kì tết Nguyên đán thể nào cũng may một vài thứ đó ít ra cũng mất 20 đồng, kể hàng ức triệu người như thế, tính ra biết bao nhiêu là tiền! Suy như sự hút thuốc lá, 3 triệu người mỗi người hút có 2 xu một ngày, ông Lê Trung Nghĩa đã tính ra mất hơn 21 triệu bạc một năm, vậy thì đồ tơ lụa mất đến bao nhiêu? Lại còn các món vô ích như dầu thơm phấn sáp, và các thứ rượu và mứt, kẹo, cùng các thứ đồ chơi không cần dùng cho lắm; thêm một nỗi mất tiền thật mua của giả, là đốt giấy tiền vàng bạc và pháo nữa. Đó là kể sơ qua các đồ ngoại hóa mà ta thích dùng nhiều hơn hết còn vô số là vật khác không thể kể xiết; chị em thử nghĩ mà xem, ta đem tiền mồ hôi nước mắt mà đổ ra ngoại quốc có khác chi gánh vàng đi đổ sông Ngô, nghĩ có đáng tiếc hay không? Giả sử trong bọn nữ lưu ta biết nghĩ đến vận mạng nước nhà muốn cho công thương kỹ nghệ phát đạt, thì nên đem mấy trăm triệu bạc mà mua mà dùng hàng nội hóa thì hạnh phúc cho nước nhà biết bao. Những tiền mua sa tanh, bom bay thì đem mà mua the lược xuyến lụa của ta mà dùng cũng đẹp cũng bền mà lại rẻ hơn, bây giờ đây chưa được bóng bảy bằng hàng ngoại quốc, nhưng có ngày họ thấy bán chạy thì họ lo chấn hưng kỹ nghệ, và đi học các nước rồi về làm cho tốt đẹp thêm ra. Hiện nay cũng đã có nhiều thứ hàng như the lãnh là những thứ mà ta đã dệt được, và nhuộm được các màu đẹp không thua gì hàng ngoại quốc. Nhứt là tết Nguyên đán gần tới đây món tiền mua pháo, rượu Tây, kẹo, xì gà và thuốc lá, trà Tàu, trái lại mua các thứ mứt bánh rượu và thuốc lá Annam vừa đỡ tốn lại vừa giúp đỡ cho công nghệ nước nhà. Vả lại các thứ thực phẩm Annam cũng nhiều món khéo léo còn như pháo và trà thì ta cũng chế được không thua gì pháo Tàu, trà Tàu vậy. Lại như giấy tiền vàng bạc và đồ mã là vật giả dối vô ích, vì ở thời buổi văn minh nầy mà ta còn giữ các tục lệ mê tín ấy, thì thật là hủ, ta nên kíp bỏ đi, vừa đỡ được một số tiền mà các nước lại khỏi cười ta là mê tín, nếu ta thiệt lòng hiếu thảo và cầu phước thì đem món tiền ấy cúng các hội làm phước, hoặc bố thí cho kẻ nghèo khó thời được phước biết ngần nào, chớ đem tiền mua một mớ giấy rồi đốt ra tro thì nghĩ có ích gì?

Chị em hết thảy ai cũng đồng lòng mà bớt sự xa phí và bảo nhau dùng đồ nội hóa, như món gì cần thiết lắm, chưa có thể bỏ được như thuốc men chữa bịnh, và các thứ vải trắng đen, và món chi đã sắm lỡ từ trước thì thôi, còn thì nhứt nhứt vật gì nước ta sẵn có và làm ra được, dẫu chưa đẹp chưa nhã, ta cũng nên mua mà dùng, vì xấu đẹp cũng tự lòng người mà ra, hễ ta ưa thì cho rằng đẹp, ta ghét thì cho là xấu, ví như trước hàng cổ-y và cách-sơ-mia là đẹp, đến bây giờ thì sa tanh, gấm là nhã, mà cổ-y, cách-sơ-mia thì bỏ xó đó thôi. Phương chi ta dùng nội hóa được nhiều ích lợi, trước hết tiết kiệm cho gia đình được thạnh vượng, sau lại vừa giúp cho kỹ nghệ trong nước ngày được khéo thêm ra, việc buôn bán càng thêm khoáng trương, kẻ nghèo đói có việc mà làm ăn, ruộng đất hoang có người khai khẩn, người đi học mới ham học nghề nghiệp, nói tóm lại thì mấy trăm triệu bạc ấy lọt sàng xuống nia đi đâu mà mất, cũng thì một đồng tiền bỏ ra mua hàng, mà một đàng thì giúp dân được giàu mạnh, một đàng thì lọt ra nước ngoài lâu năm làm cho tiền của trong nước hao mòn, sanh kế quẫn bách dân nghèo phải kéo nhau đến tha phương cầu thực, nỗi khổ thống bởi đó mà nên.

Lại còn một điều cần yếu hơn hết, mà quốc dân ta bất luận nam giới và nữ giới thảy đều lầm cả mà ít ai chịu suy xét đến. Tôi đã kinh nghiệm nhiều lần thấy phần nhiều người bất hoặc đi mua sắm vật chi thường không quan tâm đến hiệu buôn của người mình. Có nhiều người hiếu kỳ, bất hoặc dùng thứ gì cũng vào cửa hàng ngoại quốc, cho rằng mua đồ ngoại hóa mới là sang là quí, dẫu cho có mắc mấy cũng không kể, ví dụ như một cái nón các hiệu ta bán có 3 00 hàng ngoại quốc bán tới 5 00, một đôi giầy hiệu ta bán 10 00 mà họ bán 12 00, 13 00 mà cũng giống in như nhau vậy, như thế đã không biết tiếc lại còn tự đắc là sang!

Ôi! Lầm đến thế là cùng, vì cớ ấy mà, các hàng buôn ta ít ai đứng vững được, gắng lắm 5, 10 năm là vỡ nợ mà thôi. Dân ta lại còn cái tánh tham lam giả dối nữa, nghĩa là thấy dân ta biết dùng nội hóa, thấy bán chạy hàng thì manh lòng tham muốn thâu cho nhiều lời, ban đầu còn bán hàng tốt, đến sau mới giở cái thủ đoạn man trá ra rồi tráo các thứ hàng xấu mà bán, thí dụ như the lãnh Bắc thì mạo hàng chợ, dẫu cũng bóng bẩy nhưng không bền, chưa bận đã rách, đã vàng rồi, tơ lụa hàng Quảng Nam thì lộn sòng thứ hàng Hà Nhuận là thứ rất xấu mà bán cho được nhiều lời làm cho mất lòng tin của khách, vì ai mua lầm một lần rồi từ giã bất đắc dĩ phải dùng hàng ngoại quốc, cái lỗi ấy bởi tấm lòng tham lam đê tiện của vài kẻ vô lương tâm kia gây nên. Đó là việc trước chẳng kể làm chi, song từ đây về sau quốc dân biết dùng nội hóa thì người buôn bán cũng phải thật thà, mắc thì bán mắc, chớ đừng làm thói điêu ngoa, mà mất lòng tin cậy của đồng bào.

Nữ quốc dân ta tuy là phận liễu bồ yếu ớt, chưa có thể ra cạnh tranh trong trường kinh tế, chưa học được kỹ nghệ, công thương, thì ít ra cũng biết dùng đồng tiền cho phải phép, mong cho ích quốc lợi dân, tưởng cũng có công với nước mà không thua chị em Âu Mỹ vậy.

(Đông Pháp thời báo, số 531 (10/1/1927), tr.1;
số 532 (12/1/1927), tr.1)

[NỮ GIỚI VĂN ĐÀN:] NGƯỜI ĐÀN BÀ NÊN HỌC NGHỀ NGHIỆP

Trong xã hội Á Đông người đàn bà đứng vào địa vị hèm kém, do bởi không có tư cách tự lập mà sanh ra. Nguyên nhơn có nhiều cớ, một là phong tục tập quán từ xưa đến nay, công việc giao tế, cho đến kỹ nghệ công thương, nhứt thiết đàn ông đảm đương lấy cả. Còn đàn bà thì chủ trương việc trong nhà: Thờ chồng nuôi con, nồi cơm trách mắm làm phận sự, cho nên xao lãng bề thiệt nghiệp. Hai là người đàn bà có tánh “vong kỷ” như lời nhà tâm lý học đã nói, vì thế mà trọn đời cứ nương náu ở cha mẹ, trông cậy vào chồng con, quá ư phục tùng mà quên mất sự tự lập. Trong gia đình thì rẻ rúng, ngoài xã hội lại khinh khi, mang tiếng làm “ký sanh trùng” cũng không phải là ngoa vậy. Điều tự lập đã không có, việc chung thân cũng phó mặc trời, như phương ngôn rằng: “Thân em như hột mưa rào, hột sa xuống giếng, hột vào vườn hoa”. May ra duyên ưa phận đẹp thì phong gấm rủ là, ra vào đài các; rủi mà vô duyên xấu số, thì chơn lấm tay bùn, lần lựa qua thì. Như gặp cảnh thuận chẳng nói làm chi, lắm khi tai biến bất thường, mà trong tay không có một nghề gì làm sanh kế, trên cha già mẹ yếu, dưới đàn con dại chắt chiu, đói rách đến thân, có khi vì thế mà lương tâm mờ ám, trinh tiết xóa nhòe (Tràng hận phu nhơn cũng vì lâm cảnh ấy mà tấm thân băng tuyết chịu tiếng thị phi, nếu không mượn được chén thuốc độc giãi bày, thì nỗi khổ tâm cũng khó nói ra, niềm tâm sự ai người xét đến? )

Bởi thế cho nên đàn bà con gái sanh ở thời buổi này, muốn cho khỏi cảnh khổ thống ấy, thì trong công ngôn dung hạnh, ngoài cầm kỳ thi họa, cũng nên học lấy một nghề gì cho khéo léo để mà đỡ thân. Nhưng học nghề cũng phải tùy ý mỗi người mà lựa chọn lấy cho thích hiệp. Hiện nay các trường dạy về kỹ nghệ chưa có đủ, song le mỗi người nên tùy cảnh ngộ mà kiếm thế học, hoặc học chữ nghĩa để làm cô giáo, cô mụ, hoặc học vá may, thêu thùa, bánh mứt, nem chả, nấu nướng, cho tinh; hoặc chăn tằm, ươm tơ, canh cửi, buôn bán, tính toán cho thông. Mỗi người bất kì giàu nghèo, cũng phải học lấy một nghề cho thành tài, có thể nhờ nghề đó mà nuôi được thân, giúp được nhà thì mới được. Sách có câu rằng: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh” chớ nên khinh thường mà không học.

Bao giờ nữ quốc dân ta, ai ai cũng có nghề nghiệp tức là có tư cách tự lập rồi, con khỏi ỷ lại cha, vợ khỏi ỷ lại chồng, gánh giang sơn cùng nhau san sẻ, bầu sự nghiệp gắng sức tô bồi, cho gia đình ngày một phát đạt, xã hội ngày một mở mang, nước nhà ngày một giàu mạnh, một phần trông cậy ở chị em ta đó.

(Đông Pháp thời báo, số 556 (16/3/1927), tr.1)

[PHỤ NỮ DIỄN ĐÀN]: BÀN VỀ VẤN ĐỀ PHỤ NỮ

Lại thường có kẻ trách rằng: Đàn bà đời nay hư hỏng kém bề đức hạnh tiết trinh, lại thêm ăn chơi quần áo xa xỉ, Trách thế cũng phải, nhưng trước khi muốn chê khen một điều gì phải lấy lẽ công bình mà phán đoán, nếu theo ý riêng hay vì lòng ghen ghét mà phẩm bình thì sao đủ cảm phục được người. Từ xưa đến nay dầu phương nào nước nào hạng người hư chẳng luận là trai gái. Xưa cũng có người trai “sát thê thí phụ” còn gái cũng có người “tiết nghĩa trung trinh” trong xã hội bao giờ cũng lẫn có kẻ hay người dở, không nên lấy kẻ dở mà suy người hay, còn như bới lông tìm vết chỉ trích những điều nhỏ mọn, thì trừ ra khi nào thế giới nầy hóa ra cảnh Bồng Lai, còn người trần tục biến thành Tiên Tử cả thì những lời chỉ trích kia mới không là quá đáng, huống chi nước ta ngày nay đang buổi canh tân, Á cũ đã qua, Âu phong chưa thắm, cang thường biến đổi, luân lý suy đồi, trong bọn đàn ông lại càng tệ lắm, mà đàn ông đã không biết sửa mình tự làm gương lại cứ chăm chăm đổ lỗi cho đàn bà thì có ai nghe được.

Thiết tưởng trong một quốc gia nếu phần nhiều đàn ông hư không những hại cho một mình mà thôi, có thể hại lây tới nhân quần xã hội nữa, thì đáng trách hơn đàn bà nhiều lắm, suy như một việc ăn mặc xa hoa, xét kỹ mà xem, lỗi tự đàn ông làm gương trước, rồi sau đàn bà mới bắt chước theo, ví như xưa kia đàn ông dùng áo the khăn lượt làm đẹp, ngày nay lại gấm vóc sa tanh mới là sang, lại còn những lối văn minh vỏ, nay Âu phục mai Nam trang, kiểu nầy “mốt” kia, có bộ quần áo rét giá tới hàng chục bạc, đôi giày chiếc mũ cũng vài mươi đồng, điếu thuốc ly rượu tiêu khiển giá tiền bằng nhà nghèo ăn gạo, lại còn cờ bạc rượu chè đàng khác, ấy đàn ông thì phung phí như thế, lại muốn cho đàn bà quần nâu áo vải chưn lấm tay bùn, thế chẳng ích kỷ lắm ru? Nếu muốn trừ cái nạn xa xỉ thì đàn ông nên sửa mình trước, bỏ những mốt văn minh vỏ mà dùng “nội hóa”, một là ích lợi cho nước nhà, rồi tự nhiên đàn bà phải tiết kiệm theo, can chi đem lời thô bỉ đăng lên báo trương mà không tự sửa mình, thì sao khỏi bọn phụ nữ khinh là mọn dạ, phỏng có được ích chi. Tóm lại những hạng đàn ông nào công kích những điều vô lý ấy là hạng đàn ông có bịnh “râu quặt vào” nên sợ một mai đàn bà được quyền “bình đẳng” thì e khí họ phải cạo hàm râu đi mất, nên mới kiếm điều công kích để phá hại công việc của phụ nữ đi cho bõ ghét. Xin chị em ai muốn cải lương điều gì xin chớ quan tâm về những điều vô lý ấy mà nản lòng, một cố gắng mở mang cho trí thức đầy đủ đức hạnh tăng tiến, dầu có đôi điều cải cách, như lời một nhà chí sĩ nói ví dụ rằng, giả như xưa ông bà ta để lại cho ta một cái nhà lâu ngày thành ra cũ nát, kèo cột ngã xiêu, trống trước hở sau, nếu ta để vậy thì coi sao được; thế tất ta phải thay cột đổi kèo và lợp lại tử tế chắc là ông bà ta ở dưới suối vàng cũng lấy làm vui lòng vậy. Suy như lời đó mà cứ thủ cựu hoài thì sao nên, vả lại ngày nay phụ nữ ở các nước lân cận đã sớm tỉnh ngộ, còn chị em Nam Việt ta thì cứ mơ màng trong vòng áp chế, đắm đuối trong chốn hư thân mà không lo sửa đổi tư cách, làm cho bọn nam nhi khỏi khinh thị rồi cái ngày “bình đẳng” kia ắt là sẽ đến. Tóm lại vấn đề phụ nữ còn lắm điều phiền phức, một bài luận nhỏ mọn nầy không sao giải quyết cho hết được, nay chỉ xin bàn qua về những lời dị nghị của vài kẻ phản đối, tưởng chị em cùng lượng biết vậy.
(Đông Pháp thời báo, số 593 (17/6/1927), tr.1)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá ICLICK

Thông tin chi tiết

Bookcare
Công ty phát hànhNXB Phụ Nữ Việt Nam
Kích thước24 x 16 cm
Loại bìaBìa mềm
Số trang400
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam
SKU3297157896424
Liên kết: Kem dưỡng ẩm sáng hồng mờ thâm làm dịu da nhạy cảm Dr. Belmeur Pink Blemish Calming Cream 50ml The Face Shop