Có những nghịch lý trong hệ thống giáo dục hiện nay buộc các nhà giáo dục học phải suy nghĩ: Trong suốt cuộc đời đi học, từ lớp vỡ lòng đến hết bậc đại học và sau đại học, người học được học hàng trăm môn khoa học, trừ một định nghĩa “Khoa học là gì?” Trong hàng trăm môn khoa học ấy, người học được học mấy trăm thứ lý thuyết, trừ một định nghĩa “Lý thuyết khoa học là gì?”. Từ đó, một số người học luôn luôn trăn trở: “Liệu có thể tìm được những cơ sở lý thuyết về cấu trúc chung của lý thuyết khoa học, hơn nữa, những kỹ năng để xây dựng các lý thuyết khoa học?”.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm kiếm câu trả lời, và đến nửa sau thế kỷ XX đã chính thức hình thành một lĩnh vực nghiên cứu có tên gọi tiếng Anh là Theory of Science, tạm đặt tên tiếng Việt là Khoa học luận. Khoa học luận phân biệt với một lĩnh vực nghiên cứu khác, có tên tiếng Anh là Epistemology, tiếng Việt nên hiểu là “Nhận thức luận khoa học”. Khoa học luận là lý thuyết chung về khoa học; còn nhận thức luận khoa học là lý thuyết về phương pháp nhận thức khoa học.
Trả lời một phần những câu hỏi trên đây là lý do giải thích vì sao sinh viên đại học cần học tập môn học Phương pháp luận nghiên cứu khoa học.
Học tập ở bậc đại học khác hẳn học tập ở bậc trung học. Ở bậc trung học, giáo viên đọc các nguyên lý và giảng các nguyên lý cho học sinh, học sinh tiếp nhận các nguyên lý đó và liên hệ với hiểu biết của mình trong thực tế. Còn ở bậc đại học, giảng viên giới thiệu cho sinh viên những nguyên lý, sinh viên tiếp nhận những nguyên lý đó, tìm cách lý giải trong các hoàn cảnh khác nhau và tìm cho mình một nguyên lý vận dụng thích hợp. Chính vì vậy, sinh viên học tập ở bậc đại học cần học theo phong cách của người nghiên cứu. Trong tiếng Anh, người ta gọi sinh viên là student chắc có hàm ý từ danh từ study, nghĩa tiếng Việt là khảo cứu, nghiên cứu ([1]). Đương nhiên, study chưa phải là research ([2]). Theo Từ điển MacMillan, research nghĩa là cần tìm ra cái mới, còn quá trình học tập theo phong cách nghiên cứu của sinh viên – study, chưa đòi hỏi tìm ra cái mới, nhưng đòi hỏi phải làm việc theo phương pháp
khoa học.
Giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu khoa học này được biên soạn nhằm trước hết giúp sinh viên học tập những cơ sở lý luận và rèn luyện kỹ năng làm việc theo phương pháp của nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tìm kiếm những điều chưa biết. Nói như thế có vẻ vô lý, vì làm cách nào tìm kiếm được những điều chưa biết? Phương pháp luận khoa học chỉ ra rằng, muốn tìm kiếm những điều chưa biết thì người nghiên cứu phải biết đặt giả thuyết về điều chưa biết, theo đó quá trình tìm kiếm được thực hiện. Trong quá trình tìm kiếm, người nghiên cứu phải biết lý tưởng hóa các điều kiện, nghĩa là đặt các giả thiết quan sát hoặc thực nghiệm trong các tình huống khác nhau. Giáo trình này hướng dẫn cách thức đưa ra một giả thuyết nghiên cứu, đặt các giả thiết tình huống, để tiếp đó chứng minh hoặc bác bỏ
giả thuyết.
Theo tính chất của một tài liệu giáo khoa, cuốn sách trình bày từ các khái niệm ban đầu “Khoa học” là gì, cho đến “Trình tự lôgic của nghiên cứu khoa học”, “Các phương pháp thu thập và xử lý thông tin” và cuối cùng là những cơ sở của “Đạo đức khoa học”. Trong toàn bộ nội dung, tác giả dành mối quan tâm đặc biệt trình bày về trình tự lôgic của nghiên cứu khoa học. Qua kinh nghiệm những năm giảng dạy môn học này, tác giả nhận thấy rằng, trình tự lôgic của nghiên cứu khoa học là khâu yếu nhất của sinh viên và nghiên cứu sinh hiện nay. Trong một số cuộc trao đổi về phương pháp luận khoa học, một vị giáo sư khẳng định, chỉ cần dạy cho sinh viên về “nhận thức luận Mác – Lênin” là đủ. Có thể ý kiến đó là đúng, nhưng chưa đủ. Nhận thức luận, triết học chỉ dạy cho người học về cách tiếp cận để đi đến nhận thức, chẳng hạn, phải đi từ “trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” … Nhưng ngay cả mệnh đề đó cũng không hề cung cấp cho họ về trật tự các kỹ năng thao tác để có thể đưa ra những kết luận khoa học. Ở đâu đó, một nhà nghiên cứu đã nói, khoa học chỉ ra điều hay, lẽ phải cho đủ mọi ngành nghề, trong khi hàng loạt thầy cô đã hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho trò vẫn theo phương pháp truyền nghề của các nghệ nhân. Trong giáo trình này, tác giả cố gắng trình bày theo hướng tiếp cận phương pháp luận thoát khỏi khuôn khổ của phương pháp truyền nghề của các nghệ nhân.
Giáo trình này được biên soạn dành cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, sự khác nhau về nghiên cứu khoa học giữa các ngành khoa học chủ yếu là việc lựa chọn phương pháp thu thập thông tin, còn trình tự lôgic thì hoàn toàn giống nhau trong tư duy nghiên cứu của tất cả các ngành khoa học. Chẳng hạn, thu thập thông tin khi nghiên cứu khí tượng hoặc địa chất, thì chủ yếu là nhờ quan sát, đo đạc, tính toán; thu thập thông tin khi nghiên cứu các giải pháp công nghệ thì phải qua thực nghiệm. Còn việc xây dựng giả thuyết và tìm kiếm luận cứ để kiểm chứng giả thuyết thì không hề khác nhau về mặt lôgic.
Vì vậy, cuốn sách này cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo, trước hết là về trình tự lôgic của tư duy nghiên cứu cho sinh viên tất cả các ngành khoa học. Tác giả dám mạnh dạn nêu ý kiến đó, là vì trong quãng thời gian trên bốn mươi năm giảng dạy đại học, đã may mắn trải qua một nửa thời gian giảng dạy trong các trường đại học kỹ thuật, và quãng thời gian còn lại giảng dạy ở các trường đại học khoa học xã hội.
Trừ chương đầu tiên trình bày các khái niệm chung về khoa học và phân loại khoa học, các chương sau được trình bày theo một lôgic chặt chẽ, thuận lợi cho việc học của sinh viên theo hướng dẫn của giảng viên trên lớp và tự nghiên cứu về phương pháp luận khoa học.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, ...
Công ty phát hành | Công Ty Cổ Phần Sách Đại Học - Dạy Nghề |
---|---|
Ngày xuất bản | 07-2020 |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 208 |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam |
SKU | 9277322083795 |